Doanh nghiệp cần biết: Các trường hợp áp dụng khai bổ sung sau thông quan

17:15 10/06/2022

Việc khai bổ sung sau thông quan thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan năm 2014 và quy định tại khoản 2 Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính.

Căn cứ chứng minh việc phát sinh thông tin sai sót trên tờ khai hải quan đã đăng ký để xác định chính xác nguyên nhân khai bổ sung (Ảnh minh họa)

Căn cứ chứng minh việc phát sinh thông tin sai sót trên tờ khai hải quan đã đăng ký để xác định chính xác nguyên nhân khai bổ sung (Ảnh minh họa).

Theo đó, các trường hợp khai bổ sung được quy định cụ thể như sau:

a) Người khai hải quan được khai bổ sung hồ sơ hải quan sau khi Hệ thống phân luồng tờ khai nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan;

b) Người khai hải quan, người nộp thuế xác định có sai sót trong việc khai hải quan thì được khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra;

c) Người khai hải quan, người nộp thuế phát hiện sai sót trong việc khai hải quan sau thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa nhưng trước khi thông quan thì thực hiện khai bổ sung và bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

d) Quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan hoặc sau khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, người khai hải quan, người nộp thuế mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

đ) Người khai hải quan thực hiện khai bổ sung theo yêu cầu của cơ quan hải quan khi kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa và bị xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Việc khai bổ sung theo quy định tại điểm b, điểm d khoản này chỉ được thực hiện đối với hàng hóa xuất nhập khẩu không thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý chuyên ngành, Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, Danh mục hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

Một số trường hợp doanh nghiệp phát hiện tờ khai bị sai sau khi đã thông quan hàng hóa rồi (sai xuất xứ, sai thông tin trên hóa đơn, vận đơn...). Khi xuất hóa đơn bán hàng cho khách hàng thì họ lại không đồng ý hoặc thông tin sai lệch với đầu vào và chứng từ theo như các hợp đồng cho các dự án dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Khi đó, đó, doanh nghiệp nên thảm khảo Thông tư mới nhất bộ tài chính Thông tư 38/2015/TT-BTC để tìm ra phương án giải quyết hợp lý nhất.

Căn cứ quy định tại Luật Hải quan, Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC) thì đối với trường hợp tờ khai đã thông quan, doanh nghiệp không được khai bổ sung đối với các nội dung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, thực vật, an toàn thực phẩm.

Do đó, đối với trường hợp gửi nhầm hàng liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành không thuộc trường hợp được khai bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan và quy định tại Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 11 Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Ngoài ra, hàng hóa thuộc danh mục phải có giấy phép mà không có giấy phép; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không có nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất.

Trường hợp trước thời điểm ra quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhập khẩu thì không áp dụng biện pháp buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất.

Trường hợp đã ra quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất nhưng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhập khẩu và hàng hóa chưa đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì được phép nhập khẩu.

Bảo Ngân (T/h)