Doanh số bán hàng của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc tại Nga tăng 42%, mở rộng thị phần của họ từ 50% lên 70%. Hiện nay, công ty Trung Quốc đang chiếm hai vị trí hàng đầu trên thị trường Nga trong quý 1/2023, với Xiaomi đứng đầu (từ vị trí thứ hai năm 2022) và Realme xếp thứ hai (năm ngoái ở vị trí thứ tư).
Trong quý 1/2023, người tiêu dùng Nga đã mua hơn 6,5 triệu smartphone, con số tương đương với năm 2022. Thế nhưng, giá mua trung bình smartphone đã giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022 xuống còn khoảng 22.000 rúp (6,33 triệu đồng).
Samsung và Apple, hai thương hiệu lần lượt xếp thứ nhất và thứ ba năm ngoái, trượt xuống vị trí thứ ba và thứ tư trong ba tháng đầu năm. Trong khi đó, Tecno – một hãng Trung Quốc khác đứng thứ năm và tăng mạnh nhất trong số top 5.
Sau khi Samsung và Apple rút khỏi Nga để phản ứng trước cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc tăng cường đẩy mạnh vào thị trường này. Thị phần gộp của hai hãng tại Nga là 57% trong tháng 3/2022 nhưng giảm còn 34% một tháng sau đó, theo hãng nghiên cứu Counterpoint.
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có thể mua các mẫu iPhone và Samsung Galaxy sau khi Nga hợp pháp hóa việc nhập khẩu song song (vận chuyển qua các kênh không chính thức) vào tháng 3.2022. Các nhà bán lẻ lớn của Nga, gồm cả M. Video-Eldorado Group, đã bắt đầu bán các thiết bị Apple và Samsung được nhập khẩu từ Kazakhstan vào tháng 5.2022, theo Counterpoint.
Nga đang cố gắng loại bỏ công nghệ phương Tây và Điện Kremlin đã yêu cầu các quan chức tham gia chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 ngừng sử dụng iPhone của Apple vì lo ngại rằng các thiết bị này dễ bị cơ quan tình báo phương Tây tấn công, báo Kommersant đưa tin vào tháng trước.
Tờ Kommersant cho biết, Điện Kremlin có thể cung cấp các thiết bị có hệ điều hành khác để thay thế iPhone, đồng thời tiết lộ rằng lệnh ngừng sử dụng iPhone được nhắm vào những người liên quan đến chính trị trong nước.
Nga bị nhiều nước phương Tây trừng phạt và nhiều công ty toàn cầu tẩy chay. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cam kết tiếp tục giao thương với Nga.
Trong năm 2022, thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã tăng 34,3% lên mức cao nhất là 1,28 ngàn tỉ nhân dân tệ (189,5 tỉ USD). Hai nước đã cùng nhau đặt mục tiêu thương mại là 200 tỉ USD vào năm 2024. Song sự gần gũi ngày càng tăng này phải trả giá, vì các công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng về các hoạt động kinh doanh ở Nga.
Tuần trước, Cơ quan giám sát chống tham nhũng của Ukraine đã đưa Xiaomi, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty này là Lei Jun cùng 12 giám đốc điều hành hãng khác vào danh sách “tài trợ chiến tranh”. Xiaomi sau đó đã phủ nhận việc này. Công ty khẳng định, tuân thủ luật pháp, quy định tại mọi nước mà họ hoạt động và chỉ cung cấp sản phẩm cho mục đích dân sự và thương mại.
Mai Anh (t/h)