Tại phiên cho ý kiến về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 24/8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện trong kho số có hàng trăm nghìn số điện thoại đẹp, thậm chí đến hàng triệu số. Quy định trước đây phải định giá từng số một. Khi định giá phải thuê tư vấn, nên chi phí để định giá có thể lên đến hàng trăm triệu, nhưng khi bán đi chỉ có chục triệu. Nên quy định trước đây không khả thi. Vì vậy, dự thảo lần này sửa đổi quyết định mức giá khởi điểm cố định cho tất cả số đẹp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, một số đẹp đưa ra có hàng triệu người quan tâm, tức là tính thị trường rất cao nên việc định giá sẽ chính xác, tránh được tình trạng không minh bạch. Luật đưa ra mức khởi điểm, còn thị trường sẽ quyết định. Nếu thông qua được dự luật lần này theo hướng có giá khởi điểm cho tất cả số đẹp thì việc đấu giá sẽ khả thi.
Về quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết một số ý kiến đề nghị chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc. Với các quy định khác về trình tự, thủ tục đấu giá sẽ dẫn chiếu theo Luật Đấu giá tài sản.
Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi nêu rõ: "Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý kho số viễn thông, tài nguyên Internet; đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet; việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet; điều kiện hoạt động, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền".
Giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng Cục Thống kê tính cho một ngày.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng, quy ra ngày là khoảng 262.000 đồng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng đề xuất mức giá khởi điểm đấu giá số thuê bao như vậy phù hợp với khả năng chi trả của người dân khi tham gia đấu giá.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng quy định pháp luật về đấu giá và sử dụng kho số tương đối đầy đủ. Song, việc đấu giá vẫn khó thực hiện vì "không xác định được giá khởi điểm". Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cần tập trung xử lý vấn đề về kho số viễn thông, tên miền quốc gia phù hợp với Luật Đấu giá tài sản và các luật chuyên ngành.
"Việc xác định mức khởi điểm để đấu giá một số loại tài sản cần đưa ngay trong dự thảo là cần thiết để đảm bảo tính khả thi", ông nói.
Luật Viễn thông hiện hành đã quy định việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên viễn thông, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cho đến nay, việc đấu giá vẫn chưa thực hiện được trên thực tế.
Nguyên nhân chủ yếu do khó xác định giá khởi điểm để đấu giá, khó xác định được đầy đủ các loại mã, số viễn thông có giá trị thương mại cao...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo làm rõ thêm vì sao không triển khai đấu giá được kho số viễn thông trên thực tế, và quy định tại Luật Viễn thông sửa đổi lần này có giải quyết được vướng mắc đó hay không?
"Cần đảm bảo sau khi luật có hiệu ban hành có thể triển khai được. Bởi Luật Đấu giá tài sản sửa đổi và Luật Viễn thông sửa đổi cũng đang trình song song. Do đó, đề nghị theo dõi sát quá trình sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để điều chỉnh cho phù hợp", ông Tùng nêu ý kiến.
Luật Viễn thông (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ sáu vào tháng 10.
Minh Anh (t/h)