Những yếu tố thúc đẩy nhu cầu nhân lực bán dẫn
Hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ 5G, ô tô điện và các thiết bị thông minh, nhu cầu về chip xử lý ngày càng cao; các công ty sẽ cần nhiều kỹ sư và nhà nghiên cứu để phát triển các sản phẩm mới, từ thiết kế cho đến quy trình sản xuất.
Trên thực tế, ngành bán dẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nhân lực. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy các công ty tìm kiếm nhân tài, đặc biệt là những người có kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực này.
Theo tổ chức số liệu thương mại bán dẫn toàn cầu: nhu cầu trong lĩnh vực bán dẫn từ nay đến 2030 là một triệu lao động. Con số này mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội cho nguồn lao động nhận lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, để phát triển một nguồn nhân lực hiệu quả trong lĩnh vực bán dẫn tương lai thì người lao động cần phải đạt một số yêu cầu nhất định: Hiểu rõ các nguyên tắc cơ bản của vật lý chất rắn và các linh kiện điện tử cũng như việc nắm vững quy trình thiết kế IC (Integrated Circuit) và quy trình sản xuất bán dẫn. Đặc biệt, đối với nguồn nhân lực bán dẫn điều kiện về trình độ ngoại ngữ luôn đòi hỏi cao, người lao động phải có các kỹ năng đọc và viết tài liệu kỹ thuật bằng tiếng Anh cũng như khả năng phân tích, đánh giá các vấn đề kỹ thuật phức tạp để tìm ra các giải pháp mới cho kỹ thuật trong thiết kế và sản xuất bán dẫn.
Khả năng truyền đạt ý tưởng và kỹ thuật một cách rõ ràng đến các bộ phận khác và phải có kinh nghiệm thực tiễn từ các chương trình thực tập hoặc dự án nghiên cứu để có thể sử dụng thành thục các phần mềm như CAD (Computer-Aided Design), phần mềm mô phỏng và phân tích mạch điện tử…
Đào tạo chuyên sâu các các yếu tố cơ bản trên sẽ giúp người lao động trong lĩnh vực bán dẫn phát triển một cách toàn diện và đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp này trong tương lai.
Thúc đầy nguồn nhân lực bán dẫn tại Việt Nam
Lao động Việt Nam có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực bán dẫn nhờ vào một số yếu tố thuận lợi và cơ hội phát triển.
Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ, có khả năng thích nghi và tiếp ứng nhanh với công nghệ mới. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn.
So với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, chi phí lao động tại Việt Nam vẫn ở mức hợp lý, tạo điều kiện cho các công ty đầu tư vào sản xuất và nghiên cứu phát triển.
Hiện tại, Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm cả ngành bán dẫn. Các công ty đa quốc gia đã thiết lập nhà máy; trung tâm nghiên cứu, thúc đẩy nhu cầu về lao động có kỹ năng trong lĩnh vực này.
Các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam đang ngày càng chú trọng vào các chương trình đào tạo liên quan đến kỹ thuật và công nghệ bán dẫn. Nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế đã được thiết lập, giúp nâng cao trình độ chuyên môn cho sinh viên.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực bán dẫn; mở rộng mối quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trong lĩnh vực công nghệ. Việc hợp tác này sẽ cung cấp thêm cơ hội học hỏi, phát triển cho lực lượng lao động trong ngành bán dẫn, tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và lao động trong ngành.
Tiềm năng của lao động Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn là rất lớn, tuy nhiên, để hiện thực hóa được tiềm năng này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo, nghiên cứu, và phát triển cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo để tăng cường khả năng cạnh tranh của nước ta cho lĩnh vực này trong tương lai.