Bài liên quan |
Kéo dài tuổi nghỉ hưu: Không ảnh hưởng cơ hội việc làm của lao động trẻ |
Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu năm 2023 của người lao động |
Những người đủ tuổi nghỉ hưu trong năm 2025 |
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết thống nhất thông qua dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ trình, đánh dấu một bước quan trọng trong việc cải cách chính sách quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Bộ trưởng Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp, hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật và thay mặt Chính phủ ký tờ trình gửi Quốc hội.
Một trong những nội dung nổi bật trong dự thảo lần này là đề xuất điều chỉnh chính sách nghỉ hưu theo hướng linh hoạt, phù hợp với xu thế quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam. Bộ Nội vụ cho rằng cần thiết nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống công vụ phát triển trong việc cho phép nghỉ hưu trước tuổi hoặc kéo dài tuổi nghỉ hưu, đặc biệt đối với các lĩnh vực yêu cầu chuyên môn kỹ thuật cao hoặc có tính đặc thù.
![]() |
Đề xuất nhân lực chất lượng cao ở một số lĩnh vực được kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 70. Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo kinh nghiệm quốc tế được Bộ Nội vụ dẫn chứng: Tại Trung Quốc, công chức có thể nghỉ hưu trước tuổi nếu đã có 30 năm công tác, có nguyện vọng nghỉ hưu sớm và được cơ quan quản lý chấp thuận. Tại Hoa Kỳ, công chức có thể nghỉ hưu đúng tuổi nếu đạt 60 tuổi với 30 năm làm việc, hoặc nghỉ sớm khi đủ 50 tuổi và có 20 năm công tác. Ngoài ra, sau khi phục vụ đủ 25 năm, họ cũng có thể được xem xét nghỉ hưu sớm. Tại Nhật Bản, tuổi nghỉ hưu của công chức hành chính là 60, nhưng có thể được kéo dài đến tối đa 65 tuổi đối với các vị trí đặc thù, khó thay thế nhân sự. Tại Thái Lan, công chức được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi, tuy nhiên với các vị trí đòi hỏi kỹ năng cá nhân cao hoặc chuyên môn kỹ thuật, có thể tiếp tục làm việc đến 70 tuổi.
Trong khi đó, tại Việt Nam, quy định về tuổi nghỉ hưu hiện nay được thực hiện theo Bộ luật Lao động năm 2019, với lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu từ năm 2021. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện làm việc bình thường sẽ tăng thêm 3 tháng mỗi năm cho đến khi đạt 62 tuổi vào năm 2028; với lao động nữ, tăng 4 tháng mỗi năm, đạt 60 tuổi vào năm 2035. Đối với những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc thuộc các trường hợp đặc biệt, pháp luật cho phép kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm tối đa 5 năm so với quy định chung.
Từ những phân tích trên, Bộ Nội vụ cho rằng Việt Nam nên chủ động tiếp cận các mô hình nghỉ hưu linh hoạt. Việc quy định cho phép nghỉ hưu trước tuổi với người lao động đủ điều kiện sẽ tạo điều kiện để họ chủ động sắp xếp cuộc sống, chăm lo gia đình hoặc chuyển hướng sang các lĩnh vực phù hợp. Đồng thời, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 đối với một số vị trí kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn sẽ giúp Nhà nước giữ chân và tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.