Bài liên quan |
Xử lý kịp thời, nghiêm minh buôn lậu, bán hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng |
Bình Dương xử lý 6 cơ sở hành nghề dược bán hàng giả |
Trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đã đề xuất những thay đổi quan trọng nhằm siết chặt xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, trở thành một kênh phân phối phổ biến nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng mức hình phạt và bổ sung các tình tiết tăng nặng đối với tội danh này, phản ánh quan điểm cứng rắn hơn của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường kinh doanh lành mạnh.
![]() |
Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố vì bán hàng giả trên sàn thương mại điện tử |
Một điểm mới đáng chú ý là việc lần đầu tiên đưa yếu tố “sức ảnh hưởng trên nền tảng thương mại điện tử” trở thành căn cứ xác định khung hình phạt. Cụ thể, người nào sử dụng nền tảng thương mại điện tử có từ 12.500 tài khoản theo dõi trở lên để sản xuất, buôn bán hàng giả, khi bị phát hiện sẽ phải đối mặt với mức án từ 10 đến 15 năm tù. Nếu nền tảng được sử dụng có từ 2.500 đến dưới 12.500 tài khoản theo dõi, mức phạt tù cao nhất có thể lên tới 5 đến 10 năm. Đối với các hành vi buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm – những mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng – Bộ Công an vẫn giữ nguyên mức phạt tù từ 2 đến 5 năm như luật hiện hành, song bổ sung tình tiết tăng nặng ở khung 5 đến 10 năm tù nếu có từ 500 người tiếp cận trở lên thông qua nền tảng số.
Ngoài ra, tại Điều 192 của dự thảo, mức phạt dành cho người sản xuất, buôn bán hàng giả cũng được điều chỉnh tăng đáng kể, cả về hình phạt tù lẫn mức phạt tiền. Cụ thể, người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm, hoặc phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng – cao gấp đôi mức quy định hiện hành.
Các tình tiết định khung bao gồm: Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe người khác từ 31% đến 60%, thu lời bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng. Những điều chỉnh này thể hiện quan điểm nhất quán của cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm minh và kịp thời các hành vi gian lận thương mại, đặc biệt là trong môi trường số – nơi các đối tượng vi phạm có thể dễ dàng tiếp cận số lượng lớn người tiêu dùng, gây hậu quả khó lường không chỉ về kinh tế mà còn về sức khỏe cộng đồng và niềm tin thị trường.
Việc đưa yếu tố "độ lan tỏa trên nền tảng số" vào khung định tội cho thấy Bộ Công an đang bám sát xu hướng thực tiễn, đồng thời gửi đi thông điệp rõ ràng: càng có sức ảnh hưởng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, và mọi hành vi gian lận sẽ bị xử lý không khoan nhượng.