Tiếp tục phiên chất vấn sáng nay, 21.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến 3 lĩnh vực: công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch.
Đã xử lý hàng chục nghìn trường hợp vi phạm
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho biết, trong Báo cáo số 4140 của Tổng Thư ký Quốc hội có đánh giá hiệu quả của công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả vẫn chưa được như mong muốn. Tình trạng hàng giả, hàng lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi; thủ đoạn ngày càng tinh vi, có hệ thống và gần đây thực sự chủ yếu xuất hiện nhiều trên không gian mạng.
Với thực trạng trên, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về chế tài xử phạt như thế nào để đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa và lộ trình thực hiện ra sao?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, trong kinh tế thị trường thì phòng, chống gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế là công việc rất quan trọng, nhất là trong môi trường thương mại điện tử. “Đây cũng là thách thức rất lớn đối với mọi quốc gia trong đó có Việt Nam”, Bộ trưởng thẳng thắn.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này, điển hình là tham mưu ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Đề án chống hàng giả, kém chất lượng; sửa đổi, bổ sung những quy định xử phạt trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Bộ cũng đã triển khai cơ chế tiếp nhận và xử lý thông tin qua Cổng thông tin điện tử quốc gia về quản lý thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp tốt các lực lượng trong phòng, chống gian lận thương mại, bao gồm: công an, bộ đội biên phòng, hải quan, Ban Chỉ đạo 389 của các địa phương; yêu cầu các sàn giao dịch, các website rà soát để ngăn chặn, bóc gỡ hàng nghìn gian hàng giả, kém chất lượng và những đối tượng vi phạm từ một vài lần trở lên.
Cùng đó, Bộ cũng tăng cường truyền thông để hướng dẫn người tiêu dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan để xử lý, bao gồm công an công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, với những biện pháp nêu trên, vừa qua đã xử lý hàng chục nghìn trường hợp vi phạm, thu về cho ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng.
Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định về xử phạt những hành vi vi phạm trong thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ cũng triển khai thực hiện hiệu quả Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng mà Chính phủ đã ban hành; tăng cường và làm tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan (gồm Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) để xử lý chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và chống thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả của Cổng thông tin điện tử trong tiếp nhận và xử lý thông tin về vi phạm gian lận thương mại; làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng nâng cao hiểu biết và tự bảo vệ mình.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng mong muốn sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và đặc biệt là người dân để kịp thời đấu tranh, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phối hợp với các lực lượng cả trong và ngoài nước
Trước câu trả lời của Bộ trưởng, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nêu rõ, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu đang trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, làm tổn hại đến doanh nghiệp chân chính và quyền lợi người tiêu dùng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm và cho biết những giải pháp nào đã và đang triển khai để hướng tới xử lý triệt để vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong nền kinh tế thị trường, gian lận thương mại là một đặc trưng. Do đó, đây là yêu cầu cao với Chính phủ và là thách thức rất lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc đầu tiên phải làm là Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực này, nhất là cơ chế về xử phạt các hành vi gian lận thương mại, kể cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử.
Đồng thời, xử lý kịp thời, nghiêm minh những sai phạm; luân chuyển vị trí công tác của những người làm việc trong môi trường này, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của lực lượng chức năng. Phối hợp với các lực lượng cả trong và ngoài nước để xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vì trong thương mại điện tử, nguồn hàng từ nước ngoài về là rất lớn.
Bộ cũng sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu và cùng các cơ quan chức năng giám sát hiệu quả hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.