Bài liên quan |
Nợ thuế từ 50 triệu đồng sẽ bị hoãn xuất cảnh |
Đẩy nhanh triển khai thông báo tạm hoãn xuất cảnh điện tử do nợ thuế |
Sang tháng 5/2025, nợ thuế nội địa còn 222,7 nghìn tỷ đồng |
Tại phiên thảo luận sáng 20/5 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, với trọng tâm là tăng cường tính minh bạch, công bằng trong môi trường kinh doanh, cũng như siết chặt quản lý thuế và nâng cao hiệu quả hậu kiểm.
Kiến nghị siết chặt điều kiện thành lập doanh nghiệp đối với đối tượng vi phạm thuế
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thẳng thắn nêu thực trạng nhiều doanh nghiệp hiện nay che giấu lợi nhuận, vận hành hai hệ thống sổ sách kế toán nhằm trốn thuế một cách tinh vi, gây thất thu ngân sách nhà nước. Trước tình trạng này, ông đề nghị bổ sung quy định cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp đối với những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thuế, nhằm bảo vệ nguồn thu ngân sách và tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bày tỏ đồng tình với chủ trương tăng cường hậu kiểm doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị xây dựng cơ chế hậu kiểm dựa trên tiêu chí đánh giá rủi ro. Theo ông, cơ quan chức năng cần xây dựng bộ tiêu chí và chấm điểm rủi ro cho doanh nghiệp, từ đó tập trung kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao với tần suất lớn hơn. Ông dẫn chứng mô hình quản lý rủi ro đã được ngành thuế và hải quan áp dụng hiệu quả nhiều năm qua. Với việc cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đang ngày càng hoàn thiện, đây chính là điều kiện thuận lợi để triển khai hiệu quả mô hình hậu kiểm rủi ro.
![]() |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) |
Xử lý bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (TP Hà Nội) đưa ra nhận định về sự bất bình đẳng trong chính khu vực kinh tế tư nhân, khi hộ kinh doanh dù có doanh thu lớn vẫn được hưởng chế độ thuế khoán đơn giản, không bắt buộc thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách kế toán như các doanh nghiệp. Điều này khiến nhiều hộ kinh doanh né tránh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp dù đã có chủ trương khuyến khích từ năm 2005. Bà chỉ ra rằng có nhiều hộ kinh doanh đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn nằm ngoài khuôn khổ pháp lý của Luật Doanh nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.
Đại biểu Hà cũng phân tích bất cập trong thiết kế luật hiện hành khi chia doanh nghiệp thành hai nhóm: có tư cách pháp nhân (công ty) và không có tư cách pháp nhân (doanh nghiệp tư nhân). Tuy nhiên, nhiều quy định lại chỉ phù hợp với mô hình công ty, trong khi lại quá ràng buộc đối với doanh nghiệp tư nhân.
Trên cơ sở đó, bà Hà kiến nghị Chính phủ cần xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp từ nay đến năm 2026, gắn với việc xóa bỏ cơ chế thuế khoán theo tinh thần của Nghị quyết 68. Đồng thời, đề xuất ban hành một Luật Doanh nghiệp tư nhân mới, tích hợp và thay thế cả mô hình hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân hiện tại.
Luật mới, theo bà, nên được xây dựng với các nguyên tắc: Thủ tục thành lập đơn giản, chi phí thấp. Miễn kiểm toán, miễn báo cáo tài chính định kỳ đối với đơn vị có doanh thu dưới ngưỡng quy định. Áp dụng thuế thu nhập cá nhân thay cho thuế khoán, nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch trong đóng góp nghĩa vụ thuế.