Bài liên quan |
Khoanh, xóa nợ thuế: Cần minh bạch và đúng đối tượng |
Chiều 26/5, tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã giới thiệu Dự thảo Nghị định điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng trong lĩnh vực thuế – từ xác lập quyền hạn mới cho các cấp chính quyền địa phương đến mở rộng vai trò quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
![]() |
Đề xuất để Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ thuế trên 15 tỷ đồng |
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo là đề xuất trao quyền cho UBND cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng, ban hành và điều chỉnh bảng giá tính lệ phí trước bạ. Đây được xem là bước tiến nhằm tăng tính linh hoạt và chủ động cho các địa phương, giúp chính sách sát với thực tiễn kinh tế - xã hội từng vùng.
Việc phân quyền này không chỉ giúp rút ngắn quy trình hành chính mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền trong quản lý và điều hành nguồn thu ngân sách địa phương.
Dự thảo đồng thời mở rộng thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong nhiều lĩnh vực then chốt liên quan đến chính sách thuế. Cụ thể:
Giảm gánh nặng thủ tục hành chính: Bộ trưởng sẽ có quyền quy định rõ những hồ sơ, chứng từ mà người nộp thuế không cần phải nộp lại nếu cơ quan nhà nước đã có dữ liệu sẵn trong hệ thống, qua đó góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Chuẩn hóa khai và nộp thuế: Quy định chi tiết các hình thức khai thuế theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; bổ sung các quy định về khai quyết toán, khai phí lệ phí với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; hướng dẫn khai lợi nhuận liên quốc gia và tiêu chí áp dụng khai theo quý.
Thống nhất thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ: Bộ trưởng có thẩm quyền ban hành quy định chi tiết về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, phí, lệ phí; địa điểm nộp hồ sơ trong các trường hợp đặc thù, đồng thời hướng dẫn thủ tục khoanh nợ thuế.
Dự thảo đề xuất Bộ trưởng Bộ Tài chính có thẩm quyền xóa nợ thuế cho doanh nghiệp, hợp tác xã với số tiền nợ từ 15 tỷ đồng trở lên, bao gồm tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp theo khoản 3 Điều 85 Luật Quản lý thuế. Đây được xem là điểm nhấn mạnh mẽ, thể hiện xu hướng giao quyền đi đôi với trách nhiệm trong thực thi chính sách tài khóa.
Đối với hoạt động sử dụng hóa đơn điện tử – lĩnh vực đang ngày càng phổ biến trong quản lý thuế – Dự thảo cũng phân định rõ ba nhóm sử dụng:
Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không mất phí;
Hóa đơn có mã có thu phí;
Hóa đơn không có mã được phát hành qua các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính còn được đề xuất quyền phê duyệt và ký kết thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) đối với các giao dịch liên kết xuyên biên giới, gồm cả APA song phương và đa phương. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng có thể ủy quyền cho Cục Thuế thực hiện ký kết, tùy theo tính chất và cấp độ đàm phán với phía đối tác nước ngoài. Bộ trưởng cũng sẽ quyết định thời điểm có hiệu lực của các thỏa thuận này.
Việc trao quyền trực tiếp cho người đứng đầu ngành tài chính trong công tác APA là một động thái chiến lược, nhằm ngăn ngừa hành vi chuyển giá, chống thất thu thuế, hạn chế tình trạng xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài – những vấn đề đang nổi lên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Để bảo đảm tính nhất quán và hiệu lực triển khai, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung 7 Thông tư liên quan đến các lĩnh vực thuế, kế toán, kiểm toán, tài sản công, ngân sách và chế độ báo cáo. Các quy định mới sẽ tập trung vào: Chuẩn hóa tiêu chuẩn công chức ngành tài chính; Hoàn thiện chế độ báo cáo giải ngân vốn đầu tư công; Nâng cấp hệ thống thông tin ngân sách nhà nước phục vụ hiệu quả công tác điều hành.