Đề xuất áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh

12:49 27/02/2024

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường Vành đai 4 TP. HCM là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia.

Tuyến có chiều dài khoảng 199 km, quy mô 8 làn xe, đầu tư trước năm 2030 đi qua địa giới hành chính của 5 tỉnh, thành phố: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Long An với quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h, mặt cắt ngang 6 - 8 làn xe cao tốc có đường song hành 2 bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng.

Theo các địa phương đề xuất, tổng chiều dài đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh là khoảng 206,82 km (Bà Rịa – Vũng Tàu: 18,7 km; Đồng Nai: 45,6 km; Bình Dương: 47,45 km; TP. Hồ Chí Minh: 17,3 km; Long An: 78,3 km). Quy mô bề rộng mặt cắt ngang đề xuất (giai đoạn 1) từ 22 - 27 m tùy địa phương. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là khoảng 105.964 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Lê Anh Tuấn
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Lê Anh Tuấn.

Trong một cuộc họp mới đây với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan đến việc triển khai dự án này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Lê Anh Tuấn cho rằng, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh là dự án quan trọng, không chỉ có chức năng liên kết vùng mà còn mở ra hướng kết nối với khu vực Tây Nguyên, cần có tư vấn tổng thể và cao tốc phải đạt chuẩn. Trách nhiệm của Bộ GTVT là rà soát lại quy hoạch vùng, thống nhất lại tất cả về quy mô, tiêu chuẩn, phạm vi ranh giới. Vì vậy, các địa phương phải thống nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật, cập nhật lại quy hoạch gửi Bộ GTVT để nghiên cứu, xây dựng cơ chế thực hiện.

Cũng tại cuộc họp này, theo ý kiến các địa phương việc hoàn thiện hồ sơ cũng như trong quá trình nghiên cứu gặp nhiều vướng mắc về quy mô phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 giữa các dự án chưa thống nhất về bề rộng mặt cắt ngang, thời gian thu hồi vốn giữa các dự án còn khác nhau, nguồn vốn nhà nước tham gia các dự án lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối, bố trí để tham gia dự án; vướng mắc về phương án đầu tư công trình cầu năm giữa hai địa phương; cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện.

Ngoài ra, một số địa phương đề xuất cần xem xét phương án tiếp cận theo hướng nghiên cứu tổng thể chung đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh thành một dự án để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư để đảm bảo đồng bộ trong việc triển khai thực hiện.

Quy hoạch Vành đai 4
Quy hoạch Vành đai 4.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng kiến nghị nghiên cứu hai phương án tổ chức thực hiện đầu tư đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh gồm: Phương án 1 là gộp toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 thành một dự án chung; Phương án 2 là các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh. Qua trao đổi với Sở Giao thông vận tải các địa phương đã thống nhất đề xuất tiếp tục thực hiện theo Phương án 2.

Để đảm bảo khả thi, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Ban Chỉ đạo xin ý kiến Hội đồng điều phối Vùng trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh.

Về cơ chế nguồn vốn, theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, do dự án trình giữa nhiệm kỳ nên khả năng phân bổ nguồn vốn cũng khá khó khăn. Do đó, đơn vị tư vấn cần xây dựng cơ chế đặc thù như đã áp dụng ở Vành đai 3, cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội dành cho TP. Hồ Chí Minh để rà soát lại cho phù hợp.

Uyển Nhi