Để kinh tế tư nhân trở thành “động lực quan trọng”: Những “nút thắt” cần tháo gỡ

10:09 01/02/2021

35 năm đổi mới, Việt Nam đã giành được những thành tựu nổi bật về kinh tế, xã hội và vị thế quốc gia trên trường quốc tế...

Trong thành công có tính chiến lược đó phải kể đến những đóng góp của kinh tế tư nhân và những khơi thông về mặt lý luận, chính sách trong tư duy đổi mới của Đảng, Nhà nước ta.

(Ảnh: Internet)

KTTN – Những khơi thông về mặt lý luận

Trước thời kỳ đổi mới, đường lối kinh tế của Đảng ta là xây dựng nền kinh tế quá độ đi lên CNXH với cơ cấu kinh tế một thành phần gồm hai bộ phận, quốc doanh và tập thể, được quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, các thành phần kinh tế khác được gọi là phi XHCN, và nằm trong diện cải tạo, xóa bỏ để tiến tới một nền kinh tế thuần khiết, do đó phạm trù KTTN (KTTN) không tồn tại trong lý luận và trong đời sống thực tiễn.

Bước ngoặt cơ bản là tại Ðại hội lần thứ VI của Ðảng (năm 1986), sau khi phê phán “những biểu hiện nóng vội muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi XHCN, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh”, “chưa thật sự thừa nhận những quy luật của sản xuất hàng hóa đang tồn tại khách quan”, Ðại hội lần đầu tiên thừa nhận sự tồn tại của hai nhóm thành phần kinh tế: 1) Các thành phần kinh tế XHCN gồm quốc doanh, tập thể, bộ phận kinh tế gia đình gắn liền với kinh tế tập thể và 2) Các thành phần kinh tế phi XHCN gồm tiểu sản xuất hàng hóa, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc.

Sau Đại hội VI, việc nhìn nhận vai trò của KTTN đã có thay đổi về cơ bản. Trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa VI (15/7/1988) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, Đảng ta khẳng định: KTTN được phát triển không hạn chế địa bàn, quy mô, ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (năm 1992), Đảng ta xác định: “KTTN được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước, trong đó, kinh tế cá thể và tiểu chủ có phạm vi hoạt động tương đối rộng ở những nơi chưa có điều kiện tổ chức kinh tế tập thể, hướng kinh tế tư bản tư nhân phát triển theo con đường tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức”; “Bổ sung, sửa đổi thể chế nhằm đảm bảo cho KTTN được phát huy không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; được tự do lựa chọn hình thức kinh doanh, kể cả liên doanh với nước ngoài theo những điều kiện do luật định”… Đây có thể coi là dấu mốc, bước ngoặt thực sự trong quá trình phát triển của KTTN. Với dấu mốc này, KTTN bước đầu được coi trọng và khuyến khích phát triển. Tiếp đó, trong các văn kiện quan trọng của Đảng, vai trò của KTTN lại được khẳng định: “KTTN là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX tháng 3/2002), “KTTN có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” đồng thời KTTN chính thức được xác nhận là một thành phần kinh tế trên cơ sở hợp nhất hai thành phần kinh tế: Cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân (Nghị quyết Đại hội X tháng 4/2006). Ngoài ra, Đại hội đã thông qua một quyết định rất quan trọng là cho phép đảng viên được làm KTTN.

Đại hội XI năm 2011, vai trò KTTN được nâng tầm cao mới với việc đưa vào Nghị quyết “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Tại Đại hội XII (tháng 1/2016), cùng với việc khẳng định “KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế”, thì lần đầu tiên khái niệm tập đoàn KTTN xuất hiện. Báo cáo Chính trị Đại hội XII chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”. Quan điểm này của Đại hội XII không chỉ xác nhận vai trò mới của KTTN, mà còn mở ra những cơ hội mới để thành phần kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm sắp tới. 

(Ảnh: Internet)

Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Đảng ta ban hành Nghị quyết về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết xác định: “Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP. Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN lành mạnh và đúng định hướng”. Với Nghị quyết này, lần đầu tiên trong lịch sử cải cách kinh tế ở Việt Nam, vai trò và tầm quan trọng của khu vực KTTN được Đảng chính thức công nhận.

Dấu ấn trong thực tiễn phát triển

Nhờ sự khơi thông về mặt lý luận và mở đường về đường lối, cơ chế, chính sách, khu vực KTTN đã bùng nổ, phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Nhìn lại chặng đường 35 năm đổi mới (1986- 2020), từ tâm lý thụ động, trông chờ vào Nhà nước và tập thể, các tầng lớp nhân dân đã chuyển sang ý thức chủ động và tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội; qua đó tạo điều kiện giúp khu vực KTTN ở Việt Nam từng bước phát triển cả về lượng và chất. Từ chỗ chỉ có các hộ kinh doanh cá thể, chủ yếu hoạt động trong khu vực phi chính thức, nước ta đã có những tập đoàn kinh tế lớn; KTTN đã chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động trong khu vực chính thức của nền kinh tế, phạm vi kinh doanh rộng khắp ở những ngành mà pháp luật không cấm. Đặc biệt, trong những năm qua một làn sóng khởi nghiệp đã, đang diễn ra đem lại sức sống mới cho nền kinh tế.

Đến nay (năm 2020), KTTN ở nước ta đã phát triển, trở thành lực lượng quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững. “KTTN đạt tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, v.v.. Nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Đã hình thành và phát triển một số tập đoàn KTTN tiên phong trong đầu tư và ứng dụng KHCN có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế” (Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH trình Đại hội XIII của Đảng). Tuy nhiên, Dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra những thực tế: “KTTN chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp, mức độ sẵn sàng và liên kết khu vực đầu tư nước ngoài hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu”.

Có thể thấy, khu vực KTTN ngày càng có vai trò lớn trong công cuộc phát triển đất nước và đã trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế, đóng góp lớn cho GDP của quốc gia. Nhưng vai trò ấy chưa được phát huy thật sự đầy đủ do còn tồn tại những khó khăn, cản trở từ chính bản thân KTTN và từ bất cập trong công tác quản lý nhà nước rào cản về thể chế với KTTN. Trong đó, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, vẫn còn có sự phân biệt đối xử giữa KTTN và các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là xác định vai trò của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Cần phải coi KTTN là thành phần chính của nền kinh tế và có chính sách ưu tiên phát triển một cách thực chất hơn nữa và cần phân định cho KTTN những nguồn lực tích cực. Bên cạnh đó là hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển KTTN chưa cao; môi trường pháp lý đối với khu vực KTTN chưa hoàn thiện, nhiều quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, thiếu nhất quán, phức tạp và chồng chéo.

Xét về nội tại khu vực KTTN, đó là những trở ngại xuất phát từ tồn tại, yếu kém trong nội tại doanh nghiệp khu vực tư nhân; năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong việc đổi mới và quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy công nghệ, kết hợp đổi mới và tiêu thụ dịch vụ, sản phẩm chưa cao. Tính liên kết giữa các doanh nghiệp khu vực KTTN còn yếu, … Chính những rào cản nêu trên đã hạn chế rất lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế này. Bàn về phương hướng, nhiệm vụ phát triển, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển mạnh khu vực KTTN của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN; hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn KTTN lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế”.

Để thực hiện mục tiêu trên, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII xác định phải “Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng… Tạo mọi điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về quy mô, chất lượng… Xây dựng và phát triển các định chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp”. Định hướng đã rõ ràng và nhất quán, điều quan trọng là hành động để hiện thực hóa mục tiêu đưa khu vực tư nhân trở thành “động lực quan trọng”.

Để khu vực KTTN phát huy tối đa tiềm năng và trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, cần tháo gỡ được chính những tồn tại, “nút thắt” hiện hữu. Trong đó, cần có những thay đổi mạnh mẽ, nhất quán trong quan điểm, tư duy và hành động về phân vai hợp lý giữa các khu vực kinh tế. Nhà nước cần cải cách thể chế mạnh mẽ, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch. Doanh nghiệp tư nhân cần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh thông qua quá trình học hỏi và sáng tạo về công nghệ, áp dụng quản trị tiên tiến và đẩy mạnh khả năng liên kết, hội nhập. Với những gì đất nước đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt trong 1 năm nhiều thách thức do Đại dịch Covid-19 mang lại, chúng ta có lý do để tin rằng Việt Nam sẽ hiện thực hóa được mục tiêu thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế bền vững; trong đó có sự đóng góp của các thành phần kinh tế đúng với tiềm năng, thế mạnh riêng có.

PGS.TS. Lâm Quốc Tuấn – Học viện CTQG Hồ Chí Minh