Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có tuần giao dịch giảm mạnh nhất kể từ đáy tháng 3 cho tới nay với mức giảm gần 5% và trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới.
Theo nhận định của CTCK Agribank (Agriseco), trong thời gian tới thị trường có thể xảy ra các kịch bản khác nhau nhưng khó tránh khỏi nguy cơ tiếp tục giảm khi số lượng các ca lây nhiễm tăng lên được công bố sẽ là thông tin khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan hơn.
Lo tương lai màu xám
Trong giai đoạn trước khi xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ 2 tại Việt Nam, dòng tiền trên thị trường chứng khoán đã có biểu hiện suy yếu, dịch bệnh chỉ được xem là thêm lý do để đẩy thị trường đi xuống.
Tuy nhiên, trong những kịch bản tiêu cực được đưa ra trước đây, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn “bình thường mới” đã không tính đến làn sóng này sẽ tác động đến bức tranh kinh tế chung khiến không ít nhà đầu tư vẫn đang có tâm lý lo ngại về nguy cơ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn kéo dài.
Bởi lẽ sự tác động của làn sóng thứ nhất đã hiện rõ trong kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm với nhiều doanh nghiệp, ngành nghề ghi nhận mức giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ lớn.
Thị trường chứng khoán vẫn luôn hấp dẫn với các nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội giá hời
Điều bất ngờ là ngay cả các “ông lớn” cũng không thoát khỏi xu thế chung như Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã:SAB) cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty lần lượt giảm 21,5%, 20,5% so với quý II/2019. Luỹ kế nửa đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của SAB đã giảm lần lượt 34,5% và 31,5% so với cùng kỳ.
Hay như trường hợp của CTCP Vinhomes (mã: VHM), CTCP Vincom Retail (mã: VRE) cũng đều ghi nhận mức doanh thu giảm lần lượt 21,6% và 17,8%, lợi nhuận sau thuế giảm 55,3% và 46,4$ so với quý II/2019.
Lợi nhuận quý II và bán niên 2020 giảm, thậm chí thua cũng được ghi nhận/dự báo tại các doanh nghiệp lớn khác như Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas, mã: GAS), CTCP Hàng không VietJet (mã: VJC), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã:PLX), Vietnam Airlines (mã: HVN)…
Do đó, với làn sóng Covid-19 thứ 2 tại Việt Nam nhiều nhà đầu tư cũng có thể tiên lượng được những tín hiệu khó khăn đối với kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp, giai đoạn phục hồi sẽ cần nhiều thời gian hơn.
Theo ông Lê Anh Tùng – Phụ trách chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV), dù hiện tượng bán tháo đã diễn ra khi dịch bệnh Covid-19 quay trở lại nhưng thị trường chứng khoán cũng đã nhanh chóng tìm được điểm cân bằng trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, với những diễn biến lây lan khó lường như hiện nay có thể sẽ khiến tâm lý thị trường rơi vào trạng thái tiêu cực một cách nhanh chóng.
Cơ hội vẫn sẽ xuất hiện
Đồng quan điểm thị trường chứng khoán vẫn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian tới nhưng ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng lại cho rằng, một sự kiện xảy ra nhiều lần thì nhà đầu tư sẽ dần quen hơn, tâm lý cũng ổn định hơn nên dù thị trường có thể vẫn bị ảnh hưởng nhưng mức độ sẽ giảm bớt.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Khoa – Giám đốc phân tích của Agriseco cũng cho rằng, diễn biến của thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại sẽ không bi quan như hồi tháng 3, mở ra cơ hội cho việc tìm kiếm và săn cổ phiếu giá rẻ.
Xét về góc độ phân tích kỹ thuật, trước khi dịch bệnh bùng phát lần 1 – thời điểm trước Tết Nguyên Đán 2020 thị trường đã có một nhịp tăng, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết. Nhưng tin xấu đến bất ngờ trong kỳ nghỉ kéo dài khiến nhà đầu tư hoảng loạn, bán tháo, dẫn đến thị trường lao dốc.
Sau một nhịp hồi phục mạnh mẽ và kéo dài hơn 2 tháng (từ ngày 1/4 đến 10/6), thị trường chuyển sang giai đoạn “lình xình” tích lũy và nhiều nhà đầu tư chốt lời danh mục đầu tư, giá trị giao dịch giảm đáng kể so với giai đoạn hồi phục trước đó, nên tâm lý thị trường ổn định hơn trước rất nhiều.
Nhịp điều chỉnh sau một giai đoạn tăng dài và mạnh là bình thường theo quy luật vận động của thị trường. Với nhiều nhà đầu tư, sau khi chốt lời danh mục ở giai đoạn trước đó thì nhịp giảm do tác động của đợt dịch Covid-19 thứ hai là cơ hội để mua được cổ phiếu tốt ở vùng giá hấp dẫn.
Nhìn chung, đại dịch sẽ tiếp tục khó lường và nằm ngoài khả năng tiên liệu, kinh tế vĩ mô và thị trường cũng sẽ biến động đồng pha với tình hình dịch bệnh nhưng không vì thế mà quá bi quan mà hành động theo cảm tính.
Thực tế, thị trường chứng khoán vẫn luôn là nơi có người chê nhưng vẫn có những người ham muốn tìm kiếm các cơ hội giá hời. Nhà đầu tư thành công sẽ là người giữ được tiền và trở nên mạnh hơn sau những biến cố.
Linh Đan