Gần 18% doanh nghiệp nhìn nhận chi phí thuê mặt bằng đang là gánh nặng lớn nhất của doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Một khảo sát mới đây đã chỉ ra rằng, trong khi doanh thu bị sụt giảm nặng nề bởi Covid-19, các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn. Trong đó, gần 18% doanh nghiệp nhìn nhận chi phí thuê mặt bằng đang là gánh nặng lớn nhất.
Gánh nặng chi phí thuê mặt bằng
Là "ông lớn" trong ngành bán lẻ, Công ty cổ phần Thế Giới Di Động đã mở hơn 3.000 cửa hàng kinh doanh trên toàn quốc. Hầu hết mặt bằng kinh doanh này là đi thuê nên việc ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã khiến công ty chịu sức ép khá lớn về chi phí.
“Mới đây, Thế Giới Di Động buộc phải gửi văn bản cho đối tác với mong muốn "điều chỉnh giảm 50% giá thuê mặt bằng trong 12 tháng và miễn chi phí thuê mặt bằng của các cửa hàng trong thời gian phải đóng cửa tạm ngưng kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan nhà nước”, đại diện công ty cho hay.
Doanh nghiệp lớn còn lo lắng về chi phí thuê mặt bằng, thì những hộ kinh doanh cá thể cũng không biết xoay xở ra sao. Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Thiết bị hiển thị TomKo (quận Hà Đông, Hà Nội), cho biết gánh nặng về chi phí thuê mặt bằng là yếu tố quyết định đến sự tồn vong của doanh nghiệp. “Tôi mới đóng 6 tháng tiền thuê cửa hàng trước Tết, và chuẩn bị đến đợt đóng tiền tiếp theo, nhưng trong lúc doanh nghiệp đang dừng hoạt động thì mỗi tháng tôi phải trả tiền thuê văn phòng và kho bãi đến 70 triệu đồng, nếu không thương lượng được với chủ nhà hỗ trợ về giá thuê mới, công ty sẽ phải giải thể”, chị Ngọc lo lắng.
Tuy nhiên, vị giám đốc này cũng cho hay chỉ cần giải quyết được vấn đề về chi phí mặt bằng, khi hết dịch, công ty có thể phục hồi tình hình kinh doanh trở lại.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang “gồng mình” trả chi phí để duy trì mặt bằng, với hy vọng khi hết dịch sẽ phục hồi kinh doanh trở lại để bù đắp cho tiền thuê mặt bằng mấy tháng dịch. Tuy có những chủ nhà sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để giảm tiền thuê nhà, nhưng con số này chưa nhiều, vì vậy có nhiều doanh nghiệp không thể gắng gượng nổi.
Như trường hợp của ông chủ kinh doanh một nhà hàng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) sau 2 tháng xoay xở vay mượn khắp nơi để trả gần 40 triệu/tháng tiền thuê mặt bằng, đã phải tính phương án đóng cửa và trả mặt bằng. “Tình hình kinh doanh của công ty đã bắt đầu chịu ảnh hưởng từ Nghị định 100, rồi sau đó là dịch Covid-19 bùng phát. Gần 2 tháng nay, nhà hàng đóng cửa, công ty có công văn tới chủ cho thuê, nêu ý kiến hỗ trợ tiền thuê nhà, chủ nhà đồng ý giảm cho 5 triệu/tháng. Nếu dịch kéo dài sang đến tháng 5, chắc chắn công ty sẽ đóng cửa và trả mặt bằng”, ông chủ này cho hay.
Cần sự chia sẻ
Không thể phủ nhận rằng, thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đặc biệt, sắp tới, các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử… sẽ được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của Nhà nước.
Tuy nhiên, nhóm đối tượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuê mặt bằng của các cá nhân không nằm trong gói hỗ trợ này. Do đó, trong trường hợp trên cần đến sự chia sẻ khó khăn giữa chủ nhà và doanh nghiệp, còn Nhà nước không thể can thiệp.
Dẫn dắt thêm vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho hay, việc chia sẻ khó khăn giữa người cho thuê và người đi thuê nhà cũng tương tự như câu chuyện giảm lãi suất của các ngân hàng trong thời gian vừa qua.
Ông Đức nhấn mạnh, Nhà nước không bắt buộc được ngân hàng giảm lãi suất nhưng ngân hàng vẫn giảm, vì không giảm lãi suất thì không ai vay vốn. Không ai vay thì ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân hàng và nếu khách hàng trở thành nợ xấu, ngân hàng cũng thiệt thòi. Tương tự, người cho thuê không hỗ trợ, miễn giảm tiền nhà cho người thuê thì sẽ không ai thuê, để trống mặt bằng còn gây thiệt hại hơn rất nhiều.
Nêu quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng: “Có thể gọi mối quan hệ của doanh nghiệp với nhà cung cấp, chủ nhà và các đối tác khác trong thời điểm này là mối quan hệ cộng sinh. Nếu chủ nhà không cùng san sẻ rủi ro, khó khăn với doanh nghiệp, đẩy doanh nghiệp đến đường cùng, họ sẽ phá sản và buộc phải trả nhà hay mặt bằng lại. Như vậy, chủ nhà cũng không còn thu nhập từ việc cho thuê, vì thời điểm này rất khó tìm được người thuê mới. Thay vào đó, nên hỗ trợ nhau, cùng nhau vượt qua được giai đoạn khó khăn”.
Thanh Hoa