Cụ thể, giá dầu tăng hơn 2% lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 11 năm nay do dự kiến biến thể virus Omicron sẽ có tác động hạn chế nhu cầu toàn cầu năm 2022, ngay cả khi các trường hợp nhiễm tăng khiến các chuyến bay phải hủy.
Kết thúc phiên giao dịch dầu thô Brent tăng 2,46 USD tương đương 3,2% lên 78,6 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 1,78 USD tương đương 2,4% lên 75,57 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 26/11/2021.
Trong năm 2021, giá dầu đã tăng hơn 50% được hậu thuẫn bởi nhu cầu hồi phục và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh - được gọi là OPEC+ cắt giảm nguồn cung.
Bên cạnh đó, giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng gần 9% lên mức cao nhất 3 tuần bởi dự báo thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới tăng cao. Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn New York tăng 32,9 US cent tương đương 8,8% lên 4,060 USD/mmBtu – cao nhất kể từ ngày 3/12/2021. Trong phiên ngày 23/12, giá khí tự nhiên giảm hơn 6%.
Giá vàng tăng đã lên mức cao nhất hơn 1 tuần bởi rủi ro mới đối với tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu, khi các trường hợp nhiễm biến thể virus corona Omicron tăng làm lu mờ sự gia tăng của đồng USD. Vàng giao ngay trên sàn LBMA duy trì vững ở mức 1.807,5 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 17/12/2021 (1.813,38 USD/ounce) trong đầu phiên giao dịch và vàng kỳ hạn tháng 2 năm tới trên sàn New York giảm 0,2% xuống 1.808,8 USD/ounce. Giới chuyên môn tại Hoa Kỳ cho biết, triển vọng đối với vàng trong quý 1 năm tới là lạc quan, với động lực chính là lạm phát vẫn dưới mức giá sàn. Chỉ số đồng USD tăng từ mức thấp nhất gần 1 tuần, khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh kém hấp dẫn hơn khi mua bằng tiền tệ khác. Giá palađi tăng 0,1% lên 1.950,24 USD/ounce – cao nhất kể từ ngày 22/11/2021.
Hương Thảo