Theo Bộ Nông nghiệp Úc, quốc gia này đã nhập khẩu dầu ăn từ một trong những công ty đang gặp phải sự cố về an toàn thực phẩm lớn tại Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc cho biết họ đang tiến hành điều tra sau khi các phương tiện truyền thông tại địa phương báo cáo việc một công ty thực phẩm quốc doanh đã dùng một chiếc xe tải vừa vận chuyển các loại hóa chất trong đó có xăng dầu, vừa vận chuyển đồ ăn nhằm tiết kiệm chi phí.
Hãng tin Tin tức Bắc Kinh, một cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, đã mở một cuộc điều tra và đăng tải các cáo buộc trên trang tin của mình vào ngày 02/7 vừa qua. Theo điều tra cho thấy, những chiếc xe tải dùng để vận chuyển dầu ăn, dầu đậu nành và xi-rô tại Trung Quốc đã không được dọn sạch sau khi được tận dụng để chở các loại hóa chất trước đó.
Hãng tin cho biết việc xe tải của các bên vận chuyển không dọn dẹp sau mỗi lần vận chuyển hàng hóa là vấn đề ai cũng biết nhưng không nói ra.
Công ty vận chuyển và lưu trữ ngũ cốc lớn nhất Trung Quốc, Sinograin, và tập đoàn tư nhân Hopefull Grain and Oil Group có liên quan đến báo cáo. Cả hai đều công bố sẽ điều tra về vấn đề này.
Người phát ngôn của Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp của Úc thông báo rằng Úc đã nhập khẩu một lượng lớn các loại dầu được coi là “dầu ăn” từ Trung Quốc, trong đó có một phần được nhập từ công ty có tên trong danh sách bị điều tra kia.
“Do không biết chính xác loại dầu ăn nào bị ô nhiễm nên cũng không có số liệu chính xác về khối lượng dầu ăn ô nhiễm đã được nhập khẩu”, Bộ này cho biết.
“Theo thủ tục thông thường, Bộ Nông nghiệp sẽ làm việc với Trung Quốc để tìm kiếm các chứng từ có liên quan chứng minh dầu ăn được nhập khẩu sang Úc đã đủ điều kiện đảm bảo an toàn khi sử dụng. Các đơn vị nhập khẩu cũng cần thu thập các giấy tờ có liên quan từ nhà cung cấp. Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ lệnh cấm nhập khẩu nào đối với dầu ăn Trung Quốc”.
Trong khi đó, sự phẫn nộ của công chúng và mối lo ngại về an toàn thực phẩm đang lan rộng trong cộng đồng người Trung Quốc và trên mạng xã hội.
Những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe có thể gặp phải
Những sản phẩm bị ảnh hưởng do vận chuyển bằng xe tải trong sự việc này bao gồm dầu ăn, dầu đậu nành và xi-rô. Theo điều tra, những xe chở thực phẩm cũng đồng thời được dùng để chở các sản phẩm từ than đá và dầu (chứa hydrocarbon không bão hòa, hydrocarbon thơm, lưu huỳnh và các nguyên tố khác có khả năng gây ngộ độc).
Tiến sĩ Ulku Yuksel, giảng viên tại Đại học Kinh doanh Sydney đồng thời là chuyên gia về phân tích hành vi của người tiêu dùng xuyên quốc gia, cho rằng các công ty trong trường hợp này đã mặc kệ sức khỏe của người tiêu dùng chỉ để giảm bớt chi phí cho họ. Bà cho rằng “An toàn thực phẩm là quyền cơ bản của con người.”
“Việc sử dụng các sản phẩm nhiễm độc này không chỉ gây ngộ độc thực phẩm - bao gồm cả ngộ độc trong ngắn hạn và dài hạn - mà nó còn gây tổn thương vĩnh viễn lên các cơ quan nội tạng của con người”, tiến sĩ Yuksel cho biết.
"Việc sử dụng cùng một buồng xe để chở nhiên liệu, chất lỏng hóa học và dầu ăn như vậy cực kỳ tai hại và sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng vô cùng.", bà Yuksel nhấn mạnh.
Tiến sĩ Yuksel cho biết mức độ nghiêm trọng của vụ bê bối dầu ăn này có thể sánh với vụ bê bối sữa tại Trung Quốc năm 2008, khi các sản phẩm sữa bột bị ô nhiễm được phát hiện đã gây ra cái chết của 6 trẻ sơ sinh và khiến khoảng 54.000 trẻ khác phải nhập viện.
Vụ bê bối trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các công ty xuất khẩu thực phẩm của Trung Quốc, đồng thời khiến cho nhiều quốc gia cũng như chính người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay các thương hiệu nội địa của quốc gia này.
Tiến sĩ Andrew Matheson là giảng viên tại Trường Cao đẳng Y tế và Dược thuộc Đại học Quốc gia Úc, người đã từng làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới và Liên Hợp Quốc về các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Ông nói rằng mặc dù một số chất sau khi bị trộn lẫn có thể dễ dàng phát hiện ra do mùi vị đặc biệt của chúng, vẫn có khả năng người tiêu dùng có thể tiếp xúc với các hóa chất gây hại khác mà không nhận ra.
Chính phủ Trung Quốc đã có những phản ứng ngay tức thì đối với các cáo buộc, nhận thức rõ được những nguy hiểm tiềm tàng của việc này và tiến hành mở các cuộc điều tra diện rộng. Tiến sĩ Matheson khen ngợi chính phủ Trung Quốc đã nhận ra sự cần thiết trong việc cần đầu tư nguồn lực vào việc truy tìm các sản phẩm bị ô nhiễm và ngăn chặn những sự cố tương tự xảy ra lần nữa.
Tuy nhiên điều này cũng không thể ngăn cản những thiệt hại đã xảy ra.
Tiến sĩ Yuksel cho rằng vụ bê bối này sẽ còn ảnh hưởng sâu hơn và “sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nhãn hàng của Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài” bởi người tiêu dùng toàn cầu sẽ khó lòng tin tưởng họ nữa.
Dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu Thương mại Tài nguyên Chatham House cho thấy Úc đã nhập khẩu tổng cộng 564 nghìn đô-la Mỹ dầu đậu nành - cả dầu thô và dầu tinh luyện - từ Trung Quốc vào năm 2022.
“Câu hỏi bây giờ là: Việc này đã diễn ra được bao lâu và bao nhiêu trong số đó đã được xuất khẩu sang thị trường Úc?”, Tiến sĩ Matheson trăn trở. Ông cho biết bản thân cũng rất quan ngại khi chính phủ Úc dựa vào các nhà xuất khẩu quốc tế để đảm bảo an toàn cho hàng hóa nhập khẩu vào nước thay vì trực tiếp kiểm tra những hàng hóa đó. “Điều này thật nực cười”, ông cảm thán.
“Đây cũng chính là vấn đề lớn: Nếu quốc gia không có hệ thống kiểm tra riêng biệt trong khi các công ty Trung Quốc họ làm việc như vậy, cả thế giới đều sẽ gặp nguy hiểm”.
Phong Linh