Đằng sau "shop quốc tế" của Shopee

16:30 16/04/2021

Trong suốt chiều dài phát triển, Shopee, sàn thương mại điện tử có trụ sở đặt tại Singapore đã đạt được tốc độ tăng trưởng cùng nhiều thành công đáng nể.

Những năm gần đây, Shopee vốn hoạt động tại khu vực Đông Nam Á đã mở đường cho các nhà bán Trung Quốc dưới danh mục “Shop quốc tế” thâm nhập vào thị trường các nước trong khu vực. Sự xuất hiện của các shop nước ngoài vừa là cơ hội vừa là thách thức với thị trường bán lẻ bản địa, nhất là Việt Nam.

“Mỏ vàng mới” của thương nhân Trung Quốc

Tăng trưởng nhanh chóng: Khu vực Đông Nam Á có dân số hơn 600 triệu người, gần bằng một nửa Trung Quốc. Theo báo cáo nghiên cứu của Temasek và Google, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á sẽ đạt 102 tỷ USD vào năm 2025. Đối với tất cả những công ty thương mại điện tử đây là một con số ấn tượng.

Tiếp xúc di động và Internet: Người dân ở Đông Nam Á tiếp xúc với Internet qua điện thoại di động và máy tính bảng không cần phải qua thiết bị đầu cuối PC như Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hơn nữa, phổ cập và phổ biến Internet tại các nước có sự hiện diện của Shopee hiện đang ở mức cao.

Dân số trẻ hóa: Thống kê cho thấy trong số 600 triệu người ở Đông Nam Á thì có 50% dưới 30 tuổi. Họ là những cử nhân trẻ có tri thức và sẵn sàng thử sức với hình thức mua sắm trực tuyến.

Tính xã hội: Người Đông Nam Á rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm mua sắm của họ thông qua mạng xã hội, mang lại nguồn lưu lượng truy cập quan trọng cho các nền tảng thương mại điện tử.

Sự phổ biến trên mạng xã hội: Mức độ phổ biến của mua sắm trực tiếp trên các phương tiện truyền thông xã hội và diễn đàn ở mức cao. Ví dụ nhiều thương nhân trên trang Shopee Singapore đã tương tác với người dùng thông qua một phương thức phát trực tiếp và đạt số lượng tăng lên gấp 40 lần.

Tất nhiên thị trường tại mỗi quốc gia là không giống nhau nhưng tựu chung khu vực này đang sở hữu tất cả những đặc điểm thuận lợi nhất, nổi bật nhất để phát triển nền kinh tế thương mại điện tử. Tại Đông Nam Á chưa bao giờ thiếu cơ hội kinh doanh và “thợ đào vàng” Trung Quốc đã tìm được “Mỏ vàng mới”. So với thương mại điện tử xuất hiện từ lâu tại Trung Quốc với những cái tên như Taobao, Jingdong thì Shopee Đông Nam Á mang lại một luồng gió trẻ trung với nhiều cơ hội vươn ra quốc tế.

Cụ thể, Trung Quốc có nhiều lợi thế trên mỗi thị trường riêng của Shopee. Đầu tiên là Đài Loan, rất hiển nhiên đây cũng là một phần của thị trường Trung Quốc và việc khai thác thêm một kênh TMĐT là điều dễ dàng. Kế đến là Malaysia và Singapore nơi có phong cách tương tự Đài Loan và đặc biệt số lượng người dân gốc Hoa tại hai quốc gia trên chiếm áp đảo. Ở cấp độ thứ ba là Việt Nam là nước láng giềng với Trung Quốc, có sự tương đồng về văn hóa và từ lâu hàng hóa “Made in China” đã không còn xa lạ với người dân nước ta. Hoặc từ góc độ đầu tư tổng thể và hỗ trợ nhân tài, Indonesia là thị trường đầu tư lớn nhất của Shopee. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Tại sao Shopee mở cửa cho Trung Quốc?

Thương mại xuyên biên giới là “chân trời” mới trong thương mại điện tử Đông Nam Á. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tỷ lệ chấp nhận Internet cao trong khu vực đã đặt nền móng cho xu hướng này. Mô hình Doanh nghiệp với Doanh nghiệp (B2B) chiếm ưu thế trong bán hàng xuyên biên giới. Hầu hết thời gian, hàng hóa tràn vào Đông Nam Á có xuất xứ từ những nơi sản xuất giá rẻ như Trung Quốc. Doanh thu bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới dự kiến ​​sẽ vượt quá 3,6 nghìn tỷ NDT (520 triệu USD) vào năm 2020, trong đó xuất khẩu sẽ chiếm 2,1 nghìn tỷ NDT.  

Các nền tảng thương mại điện tử quốc tế đang đi đầu xu hướng vì chúng có thể hỗ trợ người bán bán hàng xuyên biên giới và giúp người mua hàng khám phá các sản phẩm từ nơi khác. Ví dụ, Amazon Trung Quốc chuyển đổi hoàn toàn tập trung vào các hoạt động xuyên biên giới, đóng cửa thị trường nội địa. Những gã khổng lồ thương mại điện tử tại Đông Nam Á không thể bỏ qua cơ hội này. Shopee cho biết công ty đã xây dựng khả năng xuyên biên giới kể từ năm 2016 và đã tổ chức hội nghị người bán hàng xuyên biên giới tại Bangkok trong đó tập hợp những người bán từ Trung Quốc nhắm đến người mua Đông Nam Á, tổ chức một chuyến tham quan để giúp những này hiểu rõ hơn về thị trường Thái Lan.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: TL)

Thị trường Trung Quốc của Shopee cũng tạo cơ hội cho người bán ở Trung Quốc tham gia vào hệ sinh thái bán lẻ đang phát triển mạnh tại Singapore. Theo đơn vị cung cấp giải pháp TMĐT SevenHub, trong số những người trả lời khảo sát chỉ ra rằng họ mua sắm từ Trung Quốc ngày nay nhiều hơn so với 5 năm trước với lý do chính là sự đa dạng của sản phẩm, sự tiện lợi và tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, theo một báo cáo gần đây của Paypal, ước tính khoảng nửa triệu người Singapore đã chi tiêu khoảng S 1,2 tỷ đô la (3,5 tỷ RM) khi mua sắm xuyên biên giới. Zhou Junjie, Giám đốc thương mại kiêm Giám đốc quốc gia của Shopee Singapore cho biết: "Dựa trên cuộc khảo sát, 57% người được hỏi chia sẻ rằng khó khăn khi mua sắm xuyên biên giới là phí vận chuyển cao, 39% cho biết rào cản ngôn ngữ và 37% cho rằng giao diện người dùng kém. Chúng tôi tin rằng thị trường Trung Quốc của Shopee là giải pháp hoàn hảo cho vấn đề này. Ngoài sự đa dạng và giá cả cạnh tranh, người mua hàng cũng sẽ được miễn phí vận chuyển và không tính phí đại lý cho tất cả các giao dịch và dễ dàng truy cập vào hàng triệu danh sách đã được dịch thuật tích hợp trên giao diện Shopee quen thuộc và yêu thích của người dân”.

Tiềm năng Shopee tại Việt Nam và thách thức đối với bán lẻ nội địa

Với dân số 96 triệu người, độ tuổi trung bình chỉ 31, hơn 85% người dân sử dụng Internet và hơn nửa cư dân mạng là người dùng mua sắm trực tuyến, Việt Nam được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho TMĐT. Người tiêu dùng Việt Nam có xác suất đặt hàng cao nhất sau khi xem sản phẩm trên nền tảng mua sắm trực tuyến, cao hơn 30% so với các nước Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam hết sức ủng hộ ngành thương mại điện tử và thị trường nước này tại nước ta hiện do nền tảng Shopee dẫn đầu. Theo Daniel Kang, đối tác và Giám đốc điều hành của SoftBank Korea Ventures, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt. Tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng, dân số trẻ hơn và sự sẵn sàng chấp nhận các công nghệ mới đã giúp các ngành công nghiệp mạng và kỹ thuật số của Việt Nam đạt được mức tăng trưởng đáng kể và ổn định. Điều này đặc biệt đúng trong ngành thương mại điện tử. Năm ngoái, doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng hơn 25%, vào năm 2020, quy mô thị trường dự kiến ​​sẽ vượt 10 tỷ đô la Mỹ. Mặc dù tiền mặt vẫn chi phối các hoạt động kinh tế và còn nhiều vấn đề khác nhưng ước tính 73% người dùng điện thoại di động và 67% người dùng trực tuyến trên cả nước thích bán lẻ trực tuyến. Ngoài ra, một cuộc khảo sát của Visa cho thấy 84% người Việt Nam được hỏi cho biết họ mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tháng.

Sự bùng nổ của các gian hàng quốc tế từ Trung Quốc một mặt đem lại cho người mua nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm nhưng mặt khác lại thách thức chính nền bán lẻ trong nước. Vốn dĩ, các shop bán lẻ trên shopee trừ những gian hàng được đăng kí chính hãng là Shopee Mall thì có đến già nửa là nhập hàng từ Trung Quốc. Người bán chuyển từ hình thức sang và nhập trực tiếp tại các chợ Quảng Châu và khu vực biên giới thành bán lẻ trên sàn TMĐT. Khi chưa có các shop quốc tế, hình thức này được đông đảo người mua hưởng ứng nhưng sự đổ bộ của hàng Trung Quốc do chính shop Trung Quốc bán đã làm phân tán sự chú ý của bán lẻ trong nước. Shop quốc tế có ưu điểm giá rẻ, nhiều ưu đãi, chất lượng đa số là đẹp và ổn định nên được nhiều người chọn lựa dù phải đợi lâu hơn vận chuyển trong nước. Trên các trang mạng xã hội gần đây xuất hiện tràn ngập bài review danh sách các shop Trung uy tín cho thấy mức độ tin tưởng đối với hàng quốc tế cao hơn so với shop Việt Nam nhưng bán hàng Trung Quốc.

Trích dẫn từ tờ Tuổi Trẻ phát biểu của ông Tuấn Hà, chuyên gia truyền thông và thương hiệu như sau: “Thực tế các sàn thương mại điện tử của nước ngoài đang chiếm ưu thế tại thị trường VN, trong khi chỉ một số ít sàn của VN phát triển mạnh. Shop bán hàng có vốn nước ngoài tại các sàn của VN cũng ngày càng nhiều. Đó là cuộc chiến của thế giới phẳng, chúng ta không thể cấm việc quản lý của nhà đầu tư ngoại. Mình khuyến khích doanh nghiệp Việt mở gian hàng để bán hàng trên Amazon thì cũng không thể hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài trên sàn thương mại điện tử ở VN. Bài toán đặt ra là chúng ta phải cạnh tranh, tăng khả năng bán hàng. Ví dụ nước ngoài họ bán sản phẩm mang tính toàn cầu nên không thể có ưu thế cạnh tranh với những đặc sản vùng miền, hàng hóa là đặc trưng của VN, nên chúng ta cần tận dụng lợi thế này”.

Quả thực, sự phát triển và mở cửa cho thương nhân Trung Quốc dù vô tình hay cố ý đã gây ảnh hưởng tới bán lẻ nội địa tuy nhiên đây cũng là một động lực để người bán trong nước tìm cách vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

TL