DeepSeek làm rung chuyển ngành công nghệ chỉ sau 2 tuần ra mắt |
Chỉ trong vòng hai tuần, mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) nguồn mở đến từ Trung Quốc được cấp phép bởi MIT DeepSeek đã gây chấn động ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI), khiến cổ phiếu Nvidia, công ty hưởng lợi mạnh mẽ nhất từ AI, tụt dốc không phanh.
Nhiều gã khổng lồ phương Tây ngay lập tức đề cao cảnh giác, khi dữ liệu mới được Similarweb chia sẻ độc quyền với TechRadar Pro cho thấy phiên bản ứng dụng di động cũng như phiên bản web của DeepSeek đang chứng kiến mức tăng trưởng đáng kể.
Từ ngày 24/1 đến ngày 26/1/2025, lượt truy cập hàng ngày trên toàn thế giới vào DeepSeek tăng gấp đôi từ 6,2 triệu lên 12,4 triệu.
Lưu lượng truy cập trang của DeepSeek trong tuần trước khi mô hình ra mắt chỉ đạt 900.000 lượt truy cập từ ngày 15/1 đến ngày 18/1. Tuy nhiên, kể từ ngày 19/1 (một ngày trước khi mô hình phát hành), website đã chứng kiến sự tăng trưởng ổn định mặc dù không nhất quán, đạt đỉnh vào ngày 24, 25, 26/1 theo ghi nhận.
Theo Similarweb, lượng truy cập vào DeepSeek.com cũng đã đạt kỷ lục 49 triệu lượt vào thứ ba tuần trước (28/1), tăng 614% so với một tuần trước. Một ngày trước đó, lượng truy cập của trang web này cũng bất ngờ tăng vọt lên 33,4 triệu lượt.
Dữ liệu mới nhất từ Similarweb cũng cho biết lượt truy cập vào DeepSeek.com hiện ổn định quanh mức 29 đến 30 triệu lượt mỗi ngày.
"Tại Mỹ, DeepSeek đạt đỉnh 4,9 triệu lượt truy cập hàng ngày vào 28/1. Vào ngày 31/1, DeepSeek có hơn 2,4 triệu lượt truy cập tính riêng từ người dùng tại Mỹ, tăng 813,3% so với tuần trước", Similarweb cho biết.
Mặc dù con số này không tính đến lưu lượng truy cập thông qua các ứng dụng di động, chúng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của DeepSeek, khi một tháng trước đó, trang web AI này chỉ nhận được khoảng 300.000 lượt truy cập mỗi ngày.
Lượng truy cập của DeepSeek đã vượt xa 2 công cụ AI phổ biến khác là Gemini của Google và Character.AI, với lượng truy cập lần lượt đạt 10 triệu và 6 triệu lượt mỗi ngày.
Trong khi đó, ChatGPT lại chứng kiến lượng truy cập trang giảm mạnh trước và trong thời gian phát hành R1, nhấn mạnh mô hình từng làm mưa làm gió có thể đã trở nên lỗi thời trong mắt nhiều người. Website công ty ghi nhận giảm hàng chục triệu lượt xem trong khoảng thời gian từ 15/1 đến 18/1, với mức giảm lớn nhất là sau khi công bố R1 (từ 23/1 đến 25/1), tương đương khoảng 41,3 triệu lượt xem.
Tất nhiên, đây cũng có thể là mức lên xuống tự nhiên, và ChatGPT có thể sẽ chứng kiến nhiều khoản lỗ lớn hơn trong tương lai. Được biết, ChatGPT vẫn đạt đỉnh trở lại khoảng 140,6 triệu lượt xem vào ngày 23/1, ba ngày sau khi phát hành DeepSeek R1.
Theo Appfigures, DeepSeek vào top 10 ứng dụng miễn phí tại 111 quốc gia trên App Store và 18 quốc gia trên Google Play. 15% lượt tải về trong giai đoạn này đến từ Mỹ, 23% từ Trung Quốc. Trong thời gian đó, DeepSeek chứng kiến lượt tải xuống nhiều hơn gần 300% so với Perplexity, một ứng dụng AI hàng đầu khác dành cho người tiêu dùng.
Thành công của DeepSeek được đánh giá đến từ nhiều yếu tố, từ chất lượng câu trả lời, khả năng suy luận, mã nguồn mở, đến chi phí phát triển "siêu rẻ" và đặc biệt phát hành miễn phí, thay vì hàng chục hay hàng trăm USD mỗi tháng như các dịch vụ hiện có.
Trong khi các ông lớn AI như OpenAI, Microsoft, Nvidia đang dồn tâm huyết vào Stargate, dự án đầu tư hạ tầng trị giá 500 tỷ USD của Mỹ, được Tổng thống Donald Trump công bố ngày 21/1, sự xuất hiện của DeepSeek như "dội gáo nước lạnh". Các nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu có cần rót số tiền lớn cho AI không vì một startup như DeepSeek có thể thành công dù bị hạn chế nguồn lực và chip. Cổ phiếu của Nvidia nhanh chóng giảm 17% ngày 27/1, đồng thời khiến phần còn lại của ngành công nghệ Mỹ "bật chế độ cảnh giác".
Việc nhiều người dùng tại Mỹ chuyển sang sử dụng DeepSeek đã khiến các công cụ AI có nguồn gốc Mỹ bị ảnh hưởng. Nhiều người cho biết DeepSeek có tốc độ phản hồi nhanh và hiểu ý câu hỏi của người dùng tốt hơn so với các công cụ như Gemini, Llama hay thậm chí cả ChatGPT.
ChatGPT chứng kiến lượng truy cập trang giảm từ khi DeepSeek ra đời. |
Sự "trỗi dậy" của DeepSeek vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, bất chấp việc Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây đang bày tỏ sự lo ngại công cụ AI này có thể thu thập thông tin người dùng.
Tại Mỹ, CNBC cho biết NASA, Hải quân, Hạ viện và bang Texas cấm toàn bộ nhân viên sử dụng với lý do an ninh quốc gia và quyền riêng tư. Trang Reuters cũng đưa tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang điều tra xem liệu DeepSeek có sử dụng chip của Hoa Kỳ không được phép vận chuyển đến Trung Quốc hay không.
Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu cá nhân Ý (GPDP) cho rằng DeepSeek có thể gây ra rủi ro cao đối với dữ liệu của hàng triệu người tại quốc gia này. Hiện DeepSeek đã bị gỡ khỏi cửa hàng ứng dụng Google Play và App Store tại Ý.
Trong khi đó tại Ireland, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu (DPC) cũng đã bày tỏ lo ngại về việc mất an toàn thông tin khi sử dụng DeepSeek. Tại Bỉ, một hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng đã đệ đơn khiếu nại lên cơ quan bảo vệ dữ liệu về công cụ AI này.
Ủy ban Bảo vệ Thông tin cá nhân Hàn Quốc cũng sẽ điều tra về việc quản lý thông tin người dùng của DeepSeek. Nếu phát hiện vi phạm, ủy ban này sẽ gửi kiến nghị lên chính phủ Hàn Quốc về việc cấm người dân sử dụng DeepSeek.
Bất chấp tranh cãi, sự xuất hiện của DeepSeek vẫn được đánh giá đã thay đổi cuộc chơi công nghệ và khiến các ông lớn AI không thể đứng yên. Cùng Nvidia NIM, Microsoft cũng đưa DeepSeek R1 vào danh sách mô hình hoạt động trên Azure AI Foundry và GitHub.
Theo The Information, tỷ phú Mark Zuckerberg, CEO Meta, đã đưa ra tình trạng báo động cao và tập hợp kỹ sư của công ty vào bốn "phòng chiến tranh" để xác định cách DeekSeek thay đổi cuộc chơi AI. Giám đốc khoa học AI của Meta Yann LeCun, đánh giá thành công của DeepSeek cho thấy mô hình AI nguồn mở đang vượt mặt sản phẩm độc quyền.
"Trung Quốc đã bắt kịp Mỹ trong AI tạo sinh", ông Andrew Ng, chuyên gia về AI hàng đầu thế giới, nhận định.
Tại một sự kiện ở Nhật Bản vừa qua, CEO OpenAI Sam Altman cũng đưa ra đánh giá: "DeepSeek chắc chắn là một mô hình ấn tượng, nhưng chúng tôi tin sẽ tiếp tục thúc đẩy ranh giới và cung cấp sản phẩm tuyệt vời. Vì vậy chúng tôi rất vui khi có thêm một đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi đã có nhiều đối thủ trước đây, và việc tiến lên và tiếp tục dẫn đầu là vì lợi ích của mọi người".
Không dừng lại ở đó, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos ngày 22/1, CEO Microsoft Satya Nadella phát biểu: "DeepSeek thực sự ấn tượng. Họ đã biết cách thực hiện một mô hình nguồn mở có khả năng suy luận, đạt hiệu quả tính toán siêu việt".
DeepSeek ra mắt ngày 20/1 đánh dấu bước ngoặt lớn với một dự án AI Trung Quốc. Được thành lập giữa năm 2023 bởi Liang Wenfeng cùng đội ngũ kỹ sư trong nước, DeepSeek từng nhận được một số đánh giá cao từ giới chuyên môn khi ra mắt phiên bản V2 và V3, nhưng khi đó phần lớn sự chú ý vẫn đổ dồn vào những sản phẩm từ Mỹ như ChatGPT, Gemini, Claude. |