Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, hệ thống metro kết nối vùng sẽ có 8 tuyến. Đó là tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dĩ An - Lộc Ninh, TP.HCM - Cần Thơ, TP.HCM - Nha Trang, Thủ Thiêm - Long Thành, TP.HCM - Tây Ninh và các tuyến đường sắt chuyên dụng nối ra cảng Hiệp Phước.
Kết luận của Bộ Chính trị cũng định hướng phát triển đường sắt kết nối vùng, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030 (đặc biệt là Hà Nội - Vinh; TP.HCM - Nha Trang).
Đến năm 2030, các địa phương tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có; tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu vận tải lớn (Hà Nội, TP.HCM); phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Biên Hoà - Vũng Tàu), cảng hàng không quốc tế (Thủ Thiêm - Long Thành); đối với tuyến TP.HCM - Cần Thơ, đầu tư bằng phương thức đối tác công - tư (PPP) hoặc phương thức đầu tư khác phù hợp...
Việc kéo dài tuyến đường sắt trên được các tỉnh, thành đánh giá là cần thiết để tăng kết nối vùng, kích cầu du lịch, kinh tế - xã hội các đô thị trong tương lai.
Metro số 1 là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM đang được xây dựng, dài 19,7 km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD).
Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, hiện đạt 95% khối lượng và dự kiến vận hành thử nghiệm vào tháng 9 năm nay.
Theo phương án nghiên cứu, đoạn 1 (đoạn chung) từ ga Suối Tiên sẽ tiếp tục đi trên cao bên phải quốc lộ 1 rồi vượt sang trái để về ga S0 (ga Bình Thắng) trước nút giao Tân Vạn (tỉnh Bình Dương), dài khoảng 1,8km, tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.
Đoạn 2, tại ga S0 sẽ triển khai tiếp 2 tuyến nhánh độc lập đi qua tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Cụ thể, nhánh 1 (hướng về Đồng Nai) dài khoảng 18,3km, đi trên cao từ ga S0 qua Ngã 3 Vũng Tàu đến Chợ Sặt và về khu vực Hố Nai (huyện Trảng Bom).
Nhánh 2 (hướng về Bình Dương) dài khoảng 29,5km, đi trên cao từ ga S0 đến gần nút giao Bình Chuẩn và đi về Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương (thị xã Bến Cát, Tân Uyên và TP Thủ Dầu Một).
"Có thể xem xét ưu tiên đầu tư hướng Đồng Nai trước. Hướng này đi qua khu công nghiệp Biên Hòa rất phát triển, kết hợp với dự án BRT thuận lợi, việc triển khai sớm sẽ phù hợp hơn", lãnh đạo Sở GTVT nói.
Ông Trần Quang Lâm nhận định các đoạn tuyến từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thắng (S0) và các nhánh đi về Đồng Nai, Bình Dương đều đi trên cao, không đòi hỏi phức tạp như xây ngầm, giúp nâng cao cảnh quan đô thị nếu được thiết kế tốt.
Do đó, Sở GTVT TP.HCM sẽ xem xét, tham mưu cho UBND TP.HCM các phương án phối hợp, hỗ trợ và tham gia, góp vốn đầu tư.
Để có cơ sở triển khai, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM kiến nghị các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương rà soát quy hoạch tuyến, vị trí các ga, depot, trong đó có việc cần thiết điều chỉnh các quy hoạch liên quan.
PV (Tổng hợp)