Thông tin được ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 - chia sẻ trong cuộc làm việc mới đây với các tổ chức tín dụng tại địa phương. Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2025, dư nợ tín dụng phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại Đồng Nai đạt tỷ trọng 30,7%, phản ánh mức độ ưu tiên rõ rệt mà hệ thống ngân hàng dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh, đây là tỷ lệ rất cao trong cơ cấu tín dụng chung của toàn tỉnh, thể hiện hiệu quả của hoạt động tín dụng trong việc đồng hành với các mục tiêu phát triển bền vững ở khu vực nông thôn. Không chỉ đơn thuần là nguồn vốn đầu tư sản xuất – kinh doanh, dòng vốn tín dụng còn đóng vai trò như một chất xúc tác giúp nông thôn Đồng Nai từng bước chuyển mình, tiến tới hiện đại hóa toàn diện từ hạ tầng, sản xuất đến đời sống văn hóa – xã hội.
![]() |
Đồng Nai dành hơn 30% dư nợ tín dụng cho xây dựng nông thôn mới |
“Xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, có tính chiến lược lâu dài. Việc các tổ chức tín dụng ưu tiên bố trí và điều hành nguồn vốn phục vụ lĩnh vực này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mà còn tạo ra động lực phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững cho cả vùng nông thôn rộng lớn,” ông Lệnh nhấn mạnh.
Trên thực tế, tín dụng phục vụ xây dựng nông thôn mới tại Đồng Nai thời gian qua đã tập trung mạnh vào các nhóm lĩnh vực thiết yếu như: Phát triển hạ tầng nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, mô hình hợp tác xã kiểu mới, nhà ở dân cư và công trình phục vụ dân sinh. Việc triển khai tín dụng theo hướng đa dạng, linh hoạt đã giúp người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và cải thiện sinh kế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dư địa tín dụng toàn hệ thống ngân hàng còn lớn, ông Nguyễn Đức Lệnh đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục quan tâm, chủ động định hướng dòng vốn vào chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn nâng cao, gắn với tiêu chí “nông thôn đáng sống”, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn đang tăng mạnh từ phía người dân và chính quyền cơ sở.
Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cũng được khuyến nghị đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành địa phương trong triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tín dụng 6 tháng cuối năm, đặc biệt là cải cách thủ tục, mở rộng đối tượng vay vốn và ứng dụng công nghệ để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của người dân khu vực nông thôn.
Việc duy trì mức tín dụng ổn định và chất lượng cho lĩnh vực nông thôn không chỉ góp phần bảo đảm an sinh xã hội mà còn hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh mà Chính phủ đang hướng đến trong Chiến lược phát triển nông thôn giai đoạn mới.