Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Alibert.
Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti nhấn mạnh ý kiến trên trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ về nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ trong suốt nhiệm kỳ qua.PV: Xin ông cho biết những đánh giá về năng lực quản trị và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua?
Ông Giorgio Aliberti: Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu đã tích cực tham gia vào quá trình hiện đại hóa phù hợp với tiến trình mở cửa không ngừng, bắt đầu cách đây hơn 35 năm với chính sách ‘Đổi mới’.
Với tư cách là đối tác nước ngoài, EU đang nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp phù hợp nhằm đạt được một sân chơi bình đẳng không chỉ cho các doanh nghiệp nước ngoài mà còn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (DNVVN), vốn đại diện cho phần lớn nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là một điểm nhấn thành công của Chính phủ cũ về cải thiện môi trường kinh doanh vì nó có đầy đủ các ý tưởng cải cách phù hợp với môi trường kinh doanh công bằng.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã thực hiện cải cách quan trọng với việc ban hành Bộ luật Lao động năm 2019. Bộ luật sửa đổi đã bảo vệ tốt hơn và thậm chí trao nhiều quyền hơn cho người lao động tại Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế theo các công ước cơ bản về quyền lao động mà Việt Nam tham gia, trong nỗ lực trở thành một quốc gia phát triển trong một tương lai không xa.
Đây là những thành tựu quan trọng để nâng cấp chất lượng của các điều kiện đầu tư, do đó cũng sẽ giúp thu hút vốn đầu tư FDI chất lượng cao hơn, bao gồm cả các nhà đầu tư từ EU.
Hiệp định EVFTA là một minh chứng trong nỗ lực của Chính phủ làm cho môi trường kinh doanh trở nên thân thiện hơn với hoạt động kinh doanh và đầu tư. Rõ ràng, chỉ khi môi trường thương mại được cải thiện, các nhà đầu tư chất lượng cao của EU mới sẵn sàng đến Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã đã mở ra một ‘đường cao tốc’ quy mô lớn và đầy hứa hẹn, bắt đầu loại bỏ các ‘trạm thu phí’, bằng cách giảm thuế cho cả hai bên. Giờ đây, chúng ta cần tiếp tục làm sạch con đường khỏi những phần phế liệu của công trình xây dựng, cắt bỏ một số lối rẽ không cần thiết và lắp đặt những chỉ dẫn rõ ràng để giao thông được nhanh chóng và thông suốt.
PV: Chính phủ Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng trong nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt sửa đổi các bộ luật liên quan tới hoạt động kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế như Luật Đầu tư 2020. Ông đánh giá như thế nào về những chính sách này?
Ông Giorgio Aliberti: Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm nay chỉ là bước khởi đầu cho một số văn bản sửa đổi khác. Đây là một quá trình làm luật phức tạp, nhưng giống như một bước tiến đầu tiên tạo sự gắn kết giữa các điều kiện kinh doanh. Luật sửa đổi không có nhiều quy định cho nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng đây là bước đi quan trọng của Việt Nam trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút FDI hiệu quả.
Tuy nhiên, việc mở cửa nền kinh tế thông qua cắt giảm số lượng các điều kiện kinh doanh có điều kiện cần được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa bởi trong danh sách 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2014 thì chúng ta mới chỉ được hạ xuống còn 227 trong Luật Đầu tư 2020.
Luật vẫn còn nhiều quy định về điều kiện như tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài, hình thức đầu tư, phạm vi đầu tư, năng lực của nhà đầu tư và đối tác Việt Nam trong các dự án liên doanh.
Luật Đầu tư mới đặt trọng tâm xóa bỏ các phân biệt đối xử với người nước ngoài nhưng một số nhà đầu tư của EU cho biết đã thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhưng không được phép bán hàng tại đây. Nếu muốn bán hàng tại Việt Nam, trước tiên họ phải xuất khẩu sang Singapore, sau đó nhập khẩu hàng hóa lại vào Việt Nam, chưa kể đến vấn đề ô nhiễm từ việc vận chuyển không cần thiết. Đây là những vấn đề cần được giải quyết, hơn cả ưu đãi về thuế và đầu tư.
Luật Đầu tư mới cũng có rất nhiều quy định về ưu đãi đầu tư. Nhưng về cơ bản, ưu đãi đầu tư có nghĩa là từ bỏ nguồn thu cần thiết của Nhà nước và xã hội. Ưu đãi đầu tư chủ yếu hấp dẫn các khoản đầu tư ngắn hạn và hướng tới giảm chi phí nhằm mục đích tận dụng lao động giá rẻ và hủy hoại môi trường. Khi hết ưu đãi, nguồn vốn FDI ngắn hạn này sẽ lập tức chuyển đến nơi khác. Đây không phải là điều mà các nhà đầu tư EU đang tìm kiếm khi đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Trái lại, EU mong muốn đem đến dòng vốn FDI chất lượng cao, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tôn trọng người lao động và bảo vệ môi trường cũng như hy vọng tìm kiếm cơ hội làm ăn lâu dài tại Việt Nam, hơn là tận dụng cơ hội kinh doanh từ lao động giá rẻ và chính sách thuế ưu đãi.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư sửa đổi không bao gồm công cụ quan trọng nhất, gần như không tốn kém nhưng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều, đó chính là tính minh bạch và khả năng dự đoán cao hơn về các quy định hành chính.
Theo EU, mọi quy định hành chính nên được công bố, tốt nhất là có thể truy cập bằng tiếng Anh. Từng quy định hành chính nên có khung thời gian rõ ràng và nhanh chóng, mọi khoản phí phải được thông báo rõ ràng trước đó. Tất cả các giấy phép không cần thiết và lạc hậu nên được thu hồi hoặc giảm xuống mức tối thiểu.
Theo tôi được biết, một số quốc gia đã cài đặt “cửa sổ duy nhất” cho FDI với mong muốn cắt giảm giảm thời gian thành lập doanh nghiệp FDI vào quốc gia của họ từ vài tháng xuống đôi khi dưới một tuần.
PV: Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Xin ông cho biết kết quả sơ bộ của Hiệp định đối với nền kinh tế 2 bên sau khi Hiệp định có hiệu lực 6 tháng?
Ông Giorgio Aliberti: EVFTA mang lại rất nhiều lợi ích hữu hình và vô hình. Sáu tháng qua, thương mại song phương tăng trưởng tích cực. Ví dụ, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 3,9%. Trong khi đó, xuất khẩu của EU sang Việt Nam cùng kỳ đã tăng 4,1%.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tiêu dùng ở nhiều thị trường nước ngoài giảm sút, ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam, EVFTA không chỉ phát huy tác dụng ngăn chặn đà sụt giảm mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Điều quan trọng là EVFTA còn vượt ra ngoài thương mại hàng hóa. Hiệp định giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng cho cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước, giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu, và giữa các công ty lớn và các DNVVN.
Trên thực tế, 85% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam là DNVVN, tôi tin rằng EVFTA mang đến những cơ hội to lớn và tạo ra tác động tích cực lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.
Những nỗ lực cải cách mà Việt Nam sẵn sàng thực hiện theo các điều khoản EVFTA sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho các DNVVN của Việt Nam. Đây là một bước tiến và chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam.
Hiện tại, Liên minh châu Âu cũng đang hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để nâng cấp khung pháp lý. Chúng tôi rất mong tiếp tục hợp tác với Việt Nam trên tất cả cấp cấp.
PV: Ông có gợi ý gì để doanh nghiệp 2 bên có thể tận dụng được nhiều nhất hiệu quả từ Hiệp định thế hệ mới này?
Ông Giorgio Aliberti: Đây là một câu hỏi rất hay. Bất kỳ FTA nào, dù tốt đến đâu về mặt tiếp cận thị trường, cũng không thể tối ưu hóa hoàn toàn nếu không có vai trò tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Các công ty Việt Nam nên hiểu đầy đủ tất cả các cam kết cũng như cơ hội tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực/phân ngành mà họ hoạt động.
Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA với việc ban hành Kế hoạch thực hiện EVFTA, đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt. Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nhiều cơ quan liên quan khác đều cung cấp các thông tin và tổ chức hoạt động đào tạo quan trọng đến doanh nghiệp Việt Nam.
EVFTA mang lại cơ hội và các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng khai thác để biến thành lợi ích. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và VCCI đã hợp tác thành lập một hội đồng chung góp phần triển khai hiệu quả EVFTA.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)