![]() |
Các bị can trong đại án đấu thầu tại Tập đoàn Thuận An. Ảnh BCA |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 30 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị liên quan.
Trong số các bị can bị đề nghị truy tố, có 27 người bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 Bộ luật Hình sự. Đáng chú ý, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An – được xác định là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án.
Theo kết luận điều tra, ông Hưng đã chỉ đạo các bị can là lãnh đạo và nhân sự chủ chốt tại Tập đoàn Thuận An cùng móc nối với nhiều cán bộ có chức vụ trong các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng), để dàn xếp kết quả đấu thầu tại hàng loạt dự án giao thông, trong đó có Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E.
Tại dự án này, ông Hưng đã thông đồng với ông Nguyễn Quang Huy – Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 (Ban QLDA 4), để dàn xếp cho Tập đoàn Thuận An và các công ty “sân sau” trúng thầu 2/3 gói thầu chính. Hai bên thống nhất chi “cơ chế” với tỷ lệ: 5% giá trị hợp đồng trước thuế cho Ban QLDA 4, 0,6% cho Chi cục Quản lý xây dựng đường bộ, và 0,6% cho lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam. Tổng số tiền do ông Hưng chi trả, ông Huy giữ vai trò đầu mối phân phối.
Sửa hồ sơ mời thầu để hợp thức hóa năng lực “sân sau”
Cơ quan điều tra xác định, nhân sự kỹ thuật của Tập đoàn Thuận An cùng các doanh nghiệp liên danh như Công ty 168 Việt Nam, Tây An, Tân Hoàng Long… đã được cử tham gia quá trình khảo sát, lập bản vẽ, xây dựng dự toán và trực tiếp “góp ý” hồ sơ mời thầu (HSMT) cùng Ban QLDA 4. Những nội dung này sau đó được điều chỉnh theo hướng có lợi, nhằm đảm bảo điều kiện cho liên danh của Thuận An trúng thầu.
Một số cán bộ Ban QLDA 4, như Vương Đình Kiều – Trưởng phòng Kinh tế – Kế hoạch, Nguyễn Thế Anh – Phó trưởng phòng Kinh tế – Kế hoạch, và Nguyễn Thị Xuân – cán bộ Ban, đã trực tiếp sao chép, chỉnh sửa và hợp thức hóa HSMT theo đề xuất từ phía doanh nghiệp.
Kết quả, các liên danh do Thuận An đứng đầu đã trúng thầu như đúng kịch bản. Ngay sau đó, ông Nguyễn Duy Hưng thu về 2 tỷ đồng “phí ngoài hợp đồng” từ các công ty liên danh.
Chi tiền để “bôi trơn” phê duyệt, thẩm định
Kết luận điều tra cũng làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ trong quá trình thẩm định thiết kế và phát hành hồ sơ mời thầu. Cuối tháng 10/2022, để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, Nguyễn Duy Hưng và Nguyễn Ngọc Hòa (Phó Chủ tịch HĐQT) đã trực tiếp đưa 1,2 tỷ đồng cho ông Vũ Hải Tùng – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý xây dựng đường bộ. Sau đó, khi cần tiếp tục điều chỉnh E-HSMT, bị can Trần Anh Quang – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuận An – thay mặt ông Hưng tiếp tục đưa thêm 1,3 tỷ đồng cho ông Tùng.
Tổng số tiền mà ông Tùng nhận từ nhóm Thuận An là 2,5 tỷ đồng, nhằm phục vụ cho việc “tạo thuận lợi” trong phê duyệt dự toán và hồ sơ mời thầu.
Ngoài dự án Quốc lộ 14E, Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Duy Hưng và các đồng phạm còn có hành vi sai phạm tại nhiều dự án trọng điểm khác gồm: Gói 17 Dự án cầu Đồng Việt (Bắc Giang); Gói 26 Cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ; Gói 2 Cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội); Gói 13 Đường ven sông Hạ Long – Đông Triều (Quảng Ninh)
Những dự án này đều bị dàn xếp đấu thầu theo hình thức thông thầu, can thiệp hồ sơ và “chia phần” lợi ích.
Theo nhận định của cơ quan điều tra, đây là vụ án có tính chất có tổ chức, kéo dài, quy mô lớn, phản ánh sự móc nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cán bộ quản lý Nhà nước, vận hành theo cơ chế lợi ích “ăn chia” từ khâu chuẩn bị hồ sơ, lập dự toán, phát hành HSMT cho đến phê duyệt và kết quả trúng thầu.
Hành vi của các bị can đã làm sai lệch bản chất cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước, làm giảm niềm tin của xã hội vào sự minh bạch của hệ thống đầu tư công.