Cục Việc làm ra mắt sàn giao dịch việc làm trực tuyến chia sẻ dữ liệu với doanh nghiệp

20:25 23/03/2023

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, sàn giao dịch việc làm trực tuyến hướng tới bổ trợ, chia sẻ dữ liệu với doanh nghiệp thay vì “cạnh tranh”.

Ảnh minh họa
Cục Việc làm ra mắt sàn giao dịch việc làm trực tuyến chia sẻ dữ liệu với doanh nghiệp

Chiều 23/3, Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị triển khai thí điểm hệ thống sàn giao dịch việc làm trực tuyến, địa chỉ: http://santructuyen.kncvietnam.vn.

Có 10 trung tâm dịch vụ việc làm gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Dương và Cần Thơ kết nối 79 doanh nghiệp tham gia thử nghiệm.

Mỗi trung tâm dịch vụ việc làm được cấp tài khoản của trung tâm và các vệ tinh của trung tâm. 

Để tham gia điều hành trực tuyến giữa doanh nghiệp và người lao động, mỗi trung tâm dịch vụ việc làm cần tạo tài khoản Google Meet miễn phí để tạo các phòng họp trực tuyến. Số lượng tài khoản phụ thuộc vào số lượng các doanh nghiệp tham gia mỗi phiên, mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp 1 phòng họp riêng để phỏng vấn trực tuyến với người lao động.

Qua quá trình kiểm thử cho thấy, hệ thống đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động.

Ảnh minh họa
Sàn giao dịch việc làm trực tuyến

Bên cạnh đó, hệ thống được thiết kế thống nhất các mẫu biểu báo cáo nên rất thuận tiện trong việc thống kê báo cáo khi kết thúc một phiên giao dịch việc làm, đồng thời cho phép cán bộ quản trị tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm quản lý hiệu quả quá trình kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm

Theo ông Bình, sàn giao dịch việc làm trực tuyến của Nhà nước "không phải để cạnh tranh với các sàn giao dịch việc làm của tư nhân". Bên cạnh đó, phần mềm hướng tới bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

"Căn cứ vào hệ thống giao dịch việc làm trực tuyến của Nhà nước, chúng tôi sẵn sàng mở kết nối với hệ thống giao dịch việc làm tư nhân và giúp cho hệ thống giao dịch việc làm tư nhân phát triển", ông Bình nói rõ.

Cũng theo ông Bình, trước kia, doanh nghiệp và người lao động muốn gặp nhau thì phải đến trung tâm dịch vụ việc làm. Đến nay, ai tìm việc ở Hà Nội không nhất thiết phải ra thủ đô mà có thể ở Thừa Thiên Huế, Bắc Giang để kết nối với doanh nghiệp.

"Đây là một hệ thống đột phá, rất lớn, đảm bảo cho cung và cầu kết nối mọi lúc mọi nơi", ông Bình nhấn mạnh.

Cục Việc làm giao Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm là cơ quan đảm nhiệm, quản trị kĩ thuật tổng thể cũng như điều phối kết nối không chỉ về kĩ thuật, mà còn thông tin cơ sở dữ liệu, có kế hoạch thường xuyên để đảm bảo sự xuyên suốt, thống nhất của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm.

Lãnh đạo Cục Việc làm cũng yêu cầu các trung tâm dịch vụ việc làm xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo, tổ chức kết nối với nhau. Việc tập huấn không chỉ một lần mà cần tạo ra một diễn đàn trao đổi giữa trung tâm quốc gia, các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương, thậm chí là giữa các bộ phận với nhau để hoàn thiện liên tục.

“Việc này không chỉ ngày một, ngày hai mà cần tạo một diễn đàn liên tục về mặt quản trị, từ trực tiếp sang trực tuyến, đây là tiền lệ chưa có trước, không có bài vở nào dạy cả, tự chúng ta phải sáng tạo. Toàn bộ hệ thống này cần thường xuyên hoàn thiện từ va vấp thực tiễn”, ông Bình nói và đề nghị Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm lập nhóm công tác, và các địa phương cử người tham gia trực tiếp để có đầu mối thống nhất.

Ảnh minh họa
Ông Bình đề nghị Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm lập nhóm công tác, và các địa phương cử người tham gia trực tiếp để có đầu mối thống nhất.

Ngoài ra, Cục Việc làm đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) triển khai hệ thống dữ liệu giao dịch việc làm kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư. Các bên kỳ vọng một hệ thống hoàn chỉnh, hiện đại với thông tin, dữ liệu có cơ chế chia sẻ thông tin minh bạch nhưng cũng bảo mật thông tin.

"Chúng tôi sẽ đảm bảo người lao động và doanh nghiệp kết nối với nhau với chi phí thấp nhất", ông Bình nói rõ.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: “Đây là bộ công cụ thiết thực hỗ trợ cho công tác nghiệp vụ của các trung tâm dịch vụ việc làm, nhưng sắp tới chúng tôi cho rằng cần có những điều chỉnh, làm sao càng gần gũi với người dùng càng tốt. Yêu cầu về trình độ công nghệ thông tin ở mức vừa phải để dễ sử dụng nhất, cách thức tiếp cận đối với doanh nghiệp và người lao động thuận lợi nhất song vẫn dễ kiểm đếm được".

Ảnh minh họa
.

Ông Đỗ Đức Mẫn - Trưởng phòng Hành chính nhân sự Chi nhánh Huế - Công ty cổ phần Vinatex Quốc tế Huế:

Tôi cho rằng việc ứng dụng sản phẩm này rất phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, sẽ góp phần tiến tới hình thành hoạt động sàn giao dịch vệc làm trên mạng hiệu quả hơn. 

Với hệ thống này Công ty tôi chỉ cần có tài khoản, ngồi tại Công ty cũng có thể tham gia tuyển dụng lao động trực tuyến.

Người lao động thì có thể ngồi bất cứ đâu, khi biết thông tin có phiên giao dịch việc làm cũng có thể kết nối vào hệ thống để ứng tuyển phỏng vấn.

Tôi thấy qua hệ thống sàn giao dịch việc làm trực tuyến, người lao động có thể theo dõi được quá trình diễn ra tuyển dụng, các thông tin về tuyển dụng công việc như độ tuổi, trình độ học vấn, yêu cầu công việc được doanh nghiệp cập nhật thường xuyên.

Theo báo cáo của Cục Việc làm, tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 50,5 triệu người. Tính đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp hơn 14,33 triệu người, tăng 0,935 triệu người, tương đương tăng 6,98%, so với năm 2021. Tổng số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp là 14.426 tỷ đồng. Tổng chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 17.719 tỷ đồng trong đó chi trợ cấp thất nghiệp chiếm hơn 90% tổng chi.

Ngân Hà