Theo đó, Cục Hàng không đánh giá việc tự phục vụ mặt đất tại Cảng HKQT Tân Sơn của Vietjet còn nhiều bất cập, dẫn đến phần lớn các chuyến bay trong các ngày vừa qua bị chậm, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của ngành hàng không và gây bức xúc cho hành khách.
Trên trang cá nhân của khách hàng có chuyến bay bị delay kéo dài nhiều giờ đã để dòng bình luận: “quá sợ hãi”.
Là một người thường xuyên đi công tác, chị Mai Thắm (Tp.HCM - đạo diễn nhiều show Truyền hình thực tế) đã vô cùng bức xúc khi chuyến bay của chị bị hãng delay từ 23h ngày hôm trước đến 11h55 trưa hôm sau mà không nhận được lời thông báo, ảnh hưởng đến lịch trình công tác của cả đoàn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Chị kể lại: “chuyến đi công tác vội trong ngày bị delay thành 2 ngày, 1 đêm vạ vật ở sân bay Đà Nẵng. Quá sợ hãi”.
Với chị, việc bị delay vài tiếng thì quen thuộc rồi. “Hôm 18/4 đoàn mình bay VietJet từ Hà Nội về Sài Gòn đã trải nghiệm cảm giác mới mẻ khi lần đầu "người bay 1 đàng, hành lý bay 1 nẻo". Người hạ cánh lúc 3 giờ sáng nhưng hành lý gần 5 giờ mới đến nơi”.
Chưa hết, tối ngày 20/4, một số anh em kỹ thuật từ Hà Nội bay vào Sài Gòn (hãng VietJet) cho kịp sáng đi Đà Nẵng chung với đoàn cũng bị delay đến sáng chưa về được, đành hủy vé Đà Nẵng và lỡ việc.
Tới 21/4, đoàn bay VietJet Sài Gòn - Đà Nẵng ra sân bay từ 4 giờ sáng, lẽ ra bay 5g30 nhưng được dời đến gần 7g30. Sân bay đông nháo nhác như cái chợ vỡ, nhà nhà người người livestream phẫn nộ kêu gào vì có những người đã chờ ở đây 5, 6 tiếng...Vì cần về trong ngày, không có chuyến muộn của hãng khác nên dù bụng đánh lô tô, chúng mình vẫn ráng hy vọng vào chuyến 23 giờ của VietJet. Và sau 4 lần delay từ 23 giờ đến 2 giờ sáng, rồi đến 4giờ sáng, tiếp tục đợi đến 7g30 sáng và tới 11g55 trưa 22/04 - tổng cộng là 13 tiếng nhưng "vẫn không chắc có tàu bay đâu anh chị ạ" (theo lời nhân viên mặt đất của VietJet) - chị Thắm kể lại.
Trong tình trạng đó, chị Mai Thắm phải cho anh em của đoàn trả vé VietJet trở ra ngoài book khách sạn nghỉ tạm chờ đại lý đổi sang các chuyến sau. Riêng chị vì có việc rất quan trọng ở Sài Gòn nên phải vội mua online chiếc vé cuối cùng chuyến 6g30 của hãng khác”.
Trước thực trạng trên, nhiều hành khách đã mua vé bay của hãng VietjetAir bức xúc và muốn biết vì sao biết chắc sẽ delay kinh hoàng như vậy nhưng hãng không một lời thông báo tại sân bay hay nhắn tin cho khách hàng cụ thể thế nào để khách còn tính toán. Chỉ có bảng thông tin chuyến bay liên tục nhảy giờ delay, và khách không có lựa chọn nào khác ngoài việc vật vờ chờ đợi, căng mắt tự theo dõi?
![]() |
Hành khách vật vờ ở sân bay |
Để giải quyết vấn đề này, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu hãng xây dựng, triển khai ngay phương án phối hợp với các đơn vị cung cấp phục vụ mặt đất khác tại sân bay Tân Sơn Nhất để bảo đảm phục vụ các chuyến bay theo kế hoạch khai thác đã được công bố.
Vietjet cần rà soát lại kế hoạch khai thác, thời gian quay đầu tàu bay, thời gian phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất phù hợp với năng lực tự phục vụ.
Đồng thời cần thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ đối với hành khách trong trường hợp chuyến bay bị chậm, hủy, chậm kéo dài.
Ngoài ra, Vietjet cần bảo đảm và duy trì tính ổn định công tác phục vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài trong trường hợp điều chuyển nhân sự nội bộ.
Bên cạnh đó, Cục yêu cầu hãng bổ sung nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện chuyên môn cho nhân viên phục vụ mặt đất trên toàn hệ thống. Các chế độ, chính sách dành cho người lao động, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu, cần được thực hiện đầy đủ và thỏa đáng.
Cuối cùng, Cục trưởng Uông Việt Dũng yêu cầu Cảng vụ Hàng không miền Nam và các đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ Vietjet trong quá trình chuyển giao dịch vụ, nhằm bảo đảm hoạt động khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra hiệu quả, ổn định, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm sắp tới.
Trên Fanpage, hãng hàng không của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trần tình, trong hai ngày 20/4 và 21/4/2025, một số chuyến bay đi và đến từ cảng hàng không Tân Sơn Nhất của Vietjet đã phải điều chỉnh lịch bay.
Công ty cổ phần phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) bàn giao toàn bộ các dịch vụ mặt đất cho Vietjet vào 0h00 ngày 20/4/2025 cũng đúng vào dịp cao điểm, hãng đang gấp rút các công tác chuẩn bị chuyển sang nhà ga mới T3. Trong dịp lễ, tần suất chuyến bay tăng cao, các phương tiện trong sân đỗ cũng có tình trạng ùn ứ.
Bên cạnh đó, quá trình điều chỉnh kế hoạch hoạt động trước thềm cao điểm 30/4 và 1/5, lượng khách tăng cao với nhiều hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng khiến nhiều chuyến bay phải điều chỉnh kế hoạch.
Vietjet cũng đã nhanh chóng đề nghị và nhận được công tác phối hợp kịp thời của Cảng vụ Miền Nam, Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, Công an Cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Hải quan Tân Sơn Nhất, SAGS, SASCO, SCSC… Công ty đã báo cáo tới Cục Hàng không và nhận được những hỗ trợ kịp thời của nhà chức trách.
Hiện tại, các hoạt động khai thác tại Tân Sơn Nhất và các sân bay liên quan đang ổn định trở lại, sẵn sàng phục vụ những chuyến bay an toàn, trong những ngày cao điểm tới đây cho dịp lễ.
Hãng hàng không giá rẻ cũng gửi lời xin lỗi đến hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng, đồng thời gửi voucher đền bù thiện chí cho hành khách có hành trình khởi hành từ Tp.HCM với giá trị: 500.000 đồng cho mỗi khách trên chuyến bay nội địa; 1.000.000 đồng cho mỗi hành khách trên chuyến bay quốc tế.
Chính sách áp dụng cho các chuyến bay bị ảnh hưởng từ 2 tiếng trở lên trong hai ngày 20/4 và 21/4/2025. E-voucher định danh sẽ được gửi về email đặt vé của quý khách hàng.