Cư Suê là xã thuần nông với 80% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên quá trình xây dựng nông thôn mới của xã gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ủy xã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong toàn bộ hệ thống chính trị, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, huy động sức mạnh tổng hợp trong các tầng lớp nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi các tiêu chí theo yêu cầu đề ra.
Để việc huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, thời gian qua, Đảng ủy xã Cư Suê đã tập trung lãnh đạo phát triển mạnh về kinh tế, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giúp cho người dân nâng cao được thu nhập, ổn định đời sống. Nhờ đó, mọi chủ trương huy động đóng góp từ sức dân để xây dựng nông thôn mới đã có nhiều thuận lợi. Ông Đặng Văn Hoan, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Suê, cho biết: “Khi đón nhận được chủ trương xây dựng nông thôn mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, cán bộ và nhân dân xã Cư Suê rất hồ hởi và phấn khởi. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng khi đã hiểu được mục đích và ý nghĩa của chương trình thì toàn thể người dân trong xã rất đồng tình và ủng hộ”.
Người dân xã Cư Suê tích cực hiến đất, phá bỏ hoa màu và góp tiền, ngày công xây dựng đường giao thông
Xã Cư Suê là địa phương có nhiều diện tích lúa nước và cà phê. Riêng cà phê đã có hơn 2.500 ha, phần lớn đã xen canh với nhiều loại cây trồng khác như hồ tiêu, sầu riêng, bơ... nên đã phát huy được hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích. Năm 2016, xã đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Bình Minh với 27 thành viên tham gia. Niên vụ 2017 - 2018, Hợp tác xã đã sản xuất được 238 tấn cà phê, 250 tấn hồ tiêu, 500 tấn sầu riêng và 250 tấn bơ. Nhiều vườn hồ tiêu trước đây sản xuất theo kiểu "phó mặc cho trời", năng suất đạt thấp chỉ từ 1,5 đến 2 tấn/ha thì đến nay đã đạt từ 2,5 đến 3 tấn/ha. Đặc biệt, sản phẩm hồ tiêu do các xã viên của Hợp tác xã sản xuất đã được Công ty Haprosimex JSC hỗ trợ thu mua với giá cao hơn thị trường từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg. Ngoài ra, những năm gần đây, nhiều diện tích đất trồng lúa và cà phê kém hiệu quả trên địa bàn xã đã được UBND xã chỉ đạo, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang trồng khoai lang Nhật Bản và một số loại cây rau màu... Việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng đã thực sự đem lại nguồn thu nhập ngày càng tăng cho người dân địa phương. Theo ông Đặng Văn Hoan, đến nay xã Cư Suê đã có khoảng 20 ha sầu riêng giống mới cho năng suất cao. Một số gia đình, như gia đình ông Lý Tuệ Ngọc, ở thôn 3; gia đình ông Lý A Hải và gia đình Hoàn Quân, ở thôn Ea Mô đã thu được 500 - 900 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng cây sầu riêng. Mấy năm gần đây, ngày càng có nhiều hộ gia đình trong xã đã thay đổi nhận thức, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Gia đình ông Huỳnh Văn Hiền ở thôn 4, trước đây có hơn 6 sào đất chỉ trồng độc canh cây cà phê. Do giá cả bấp bênh, vốn đầu tư cao, công chăm sóc nhiều, lại chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vườn cà phê của gia đình ông cho năng suất rất thấp, dẫn đến thu nhập không ổn định. Từ khi được tham dự tập huấn khoa học kỹ thuật và tham quan các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở một số nơi do huyện Cư M’gar và xã tổ chức, ông Hiền nhận thấy mô hình trồng cà phê xen hồ tiêu mang lại hiệu quả kinh tế khá, nên vào năm 1999, ông đã mạnh dạn trồng xen 300 trụ tiêu trong vườn. Nhờ vậy, đến năm 2012 vườn tiêu của gia đình ông đã cho thu hoạch 3 tấn tiêu hạt. Thấy được hiệu quả từ mô hình đem lại, ông đã trồng thêm 600 trụ tiêu xen trong vườn cà phê. Từ đó, gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định. Ông Hiền cũng đã mua thêm 8,5 sào đất để trồng tiêu. Ngoài ra, ông còn cải tạo lại vườn cà phê đã già cỗi của mình bằng phương pháp ghép chồi và nay đã cho thu bói. Hiện tại, thu nhập của gia đình ông Hiền đã đạt 400 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí đầu tư v.v...
Vườn tiêu 3.500 trụ của gia đình ông Nguyễn Ngọc Giáo đêm lại hiệu quả kinh té cao
Đến nay, xã Cư Suê đã có 22 trang trại, gia trại kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, hầu hết đều có quy mô đầu tư lớn và ứng dụng công nghệ cao. Trong số đó, mô hình kinh tế trang trại của gia đình ông Nguyễn Ngọc Giáo ở thôn 1 là một trong những mô hình được đầu tư bài bản, mang lại hiệu quả kinh tế khá ấn tượng được nhiều người biết đến. Hiện trang trại của gia đình ông Giáo có quy mô hơn 7 ha được xây dựng xa khu dân cư. Trên đó, gia đình ông đã trồng 3.500 trụ hồ tiêu, 300 cây bơ, 200 cây sầu riêng, 600 cây cà phê, 40 cây vải, đồng thời kết hợp chăn nuôi thường xuyên gần 1.000 con heo, 30 con bò, 70 con dê, 3.000 con gà và nuôi cá trên diện tích ao 500m2. Sau 5 năm hình thành và phát triển, đến cuối năm 2018, trang trại của gia đình ông Giáo đã cho thu lãi trên 2,5 tỷ đồng. Hàng năm, trang trại còn là nơi tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương, với thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng v.v...
Không chỉ phát triển mạnh về kinh tế, gần 8 năm qua, xã Cư Suê đã phát huy tốt sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và quyền làm chủ của nhân dân để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động được hơn 43,2 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó doanh nghiệp hỗ trợ hơn 550 triệu đồng và nhân dân đóng góp hơn 12,5 tỷ đồng. Nhờ vậy, các công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân… Nhiều con đường trước đây vốn nhỏ hẹp, mùa mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bay mù mịt… người dân đi lại gặp rất nhiều khó khăn thì nay đã được trải nhựa, thảm bê tông phẳng lỳ, kéo dài đến từng ngõ, xóm. Hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã đã cơ bản hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.
Một gia đình nông dân xã Cư Suê phơi sấy cà phê trong nhà kính
“Từ năm 2011 đến nay, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xã đã thực hiện cứng hoá, nhựa hoá và bê tông hoá được hơn 29,3 km đường giao thông nông thôn, trị giá hơn 25,7 tỷ đồng. Rất nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến một phần diện tích đất của gia đình, tháo bỏ tường rào mà không hề đòi hỏi một sự đền bù hay hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương, chỉ với mong muốn các con đường sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng… Riêng trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, nhân dân trên địa bàn xã Cư Suê đã tham gia đóng góp được trên 15 tỷ đồng, hiến hơn 10.000 m2 đất và trên 500 ngày công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Với sự huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đến nay xã Cư Suê đã xây dựng và nâng cấp được 26,4 km đường giao thông, trong đó nhựa hóa hơn 11 km, bê tông trên 9,4 km và cấp phối (cứng hóa) được hơn 6 km đường giao thông nội vùng”, ông Đặng Văn Hoan, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Suê chia sẻ.
Sau gần 8 năm xây dựng nông thôn mới, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk đã có sự chuyển mình ngoạn mục. Từ một xã nghèo, đến nay cuộc sống của người dân nơi đây đã hoàn toàn khác trước. Xã không chỉ hoàn thành 19/19 tiêu chí của nông thôn mới, mà còn là vùng đất đỏ bazal ngày càng được nhiều người biết đến bởi chính nơi đây có buôn Sút M’Đưng là nơi Hoa hậu H’Hen Niê sinh ra và lớn lên... Người dân xã Cư Suê thật tự hào khi quê hương của Hoa hậu H’Hen Niê đang từng ngày đổi mới.
Bài và ảnh: Nguyễn Hiếu