Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam sẽ áp dụng Quy chế tài chính mới

06:45 05/09/2021

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 62/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 về quy chế tài chính của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam...

Thông tư số 62/2021/TT-BTC sẽ có hiệu lực từ ngày 15/9/2021. Đáng chú ý, Thông tư này được áp dụng từ năm tài chính 2021, Quy chế quy định cơ chế quản lý tài chính đối với DATC do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động theo quy định tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

(Ảnh: minh họa)

DATC thông tin cho hay, về cơ bản, Quy chế mới ban hành kèm theo Thông tư số 62/2021/TT-BTC kế thừa các nội dung quy định tại Thông tư số 134/2016/TT-BTC. Trong đó, điều chỉnh một số quy định để phù hợp với quy định tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP và quy định của pháp luật hiện hành như: Luật Doanh nghiệp; Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Theo đó, về nguyên tắc sử dụng vốn, DATC được quyền chủ động sử dụng vốn của mình để phục vụ hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn và phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực của DATC để hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản.

Quy chế Quy chế tài chính mới cũng quy định rõ việc sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài công ty, mua nợ, tài sản cho mục đích kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật và quy chế này.

Với quy định mới, DATC tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo cơ chế thị trường. Sử dụng vốn để thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Công ty.

DATC sử dụng nguồn vốn hoạt động của mình để sửa chữa, nâng cấp tài sản nhằm mục đích gia tăng giá trị và tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản để thu hồi vốn. Hoạt động đầu tư cải tạo, nâng cấp tài sản thuộc về đầu tư xây dựng cơ bản phải chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.

Đối với trích lập dự phòng, Quy chế quy định, các khoản phải thu khó đòi của các khoản nợ phát sinh từ hoạt động mua, bán, xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP. Do đó, Thông tư số 62/2021/TT-BTC quy định mức trích lập dự phòng không vượt quá giá trị còn lại của giá vốn mua nợ và thực hiện theo quy định tại Quy chế trích lập dự phòng do Hội đồng thành viên DATC ban hành;

Đảm bảo nguyên tắc mức trích lập lần đầu tối thiểu là 15% giá trị quá hạn của giá vốn mua nợ còn lại đối với khoản nợ mua quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm, ngoài ra trích đủ 100% giá trị quá hạn của giá vốn mua nợ còn lại đối với khoản nợ mua quá hạn từ 5 năm trở lên.

Việc xác định thời gian quá hạn và giá trị quá hạn của khoản nợ mua để trích lập dự phòng được tính từ thời điểm chuyển quyền chủ nợ cho DATC. Trường hợp có cam kết trả nợ thì căn cứ theo cam kết gần nhất giữa bên nợ và DATC phù hợp với phương án thu hồi nợ và/hoặc khả năng trả nợ của bên nợ.

Đối với các khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng DATC xác định được bên nợ đã phá sản, mở thủ tục phá sản, bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh; đang bị truy tố, giam giữ, xét xử, thi hành án hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo hay đã chết;

Khoản nợ đã được doanh nghiệp yêu cầu thi hành án nhưng không thể thực hiện được do đối tượng nợ bỏ trốn khỏi nơi cư trú, hay khoản nợ đã được DN khởi kiện đòi nợ nhưng bị đình chỉ giải quyết vụ án thì DATC dự kiến mức tổn thấy không thu hồi được để trích lập dự phòng. Mức trích lập dự phòng tối đa bằng giá trị còn lại của giá vốn mua nợ đang theo dõi trên sổ kế toán.

Ngoài ra, Thông tư quy định việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của DATC trên cơ sở phù hợp với các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và bổ sung quy định hoạt động chuyển nhượng vốn đầu tư hình thành từ chuyển nợ, tài sản thành vốn góp và chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu.

Trong đó, DATC thực hiện chuyển nhượng vốn theo hình thức đấu giá công khai, nếu đấu giá không thành công hoặc không chuyển nhượng hết số cổ phần thì DATC thực hiện theo hình thức chào bán cạnh tranh, trường hợp không thành công thì DATC thực hiện theo hình thức thỏa thuận.

DATC được chuyển nhượng vốn đầu tư hình thành từ hoạt động chuyển nợ thành vốn góp kèm nợ phải thu tại các doanh nghiệp đồng thời có vốn góp và nợ phải thu của DATC.

Trong thực hiện quản lý tài sản mua và tài sản tiếp nhận, đối với trường hợp DATC tiếp nhận tài sản theo chỉ định để xử lý, thu hồi cho Nhà nước thì được hưởng phí xử lý tài sản trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí xử lý tài sản, cộng một phần chi phí quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính phù hợp với từng phương án chỉ định.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 109/2003/QĐ - TTg ngày 05/06/2003 thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp. Công ty chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004, được công nhận Doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt theo Quyết định số 55/2004/QĐ - TTg ngày 06/04/2004 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, vật tư ứ đọng kém, mất phẩm chất (gọi tắt là nợ và tài sản tồn đọng) góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi các DNNN.

Ngày 30/06/2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 1494/QĐ-BTC về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của Doanh nghiệp thành Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam do Nhà nước làm chủ sở hữu. Ngày 29/4/2014, Công ty đã chính thức chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Ngày 04/6/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 42/2021/TT-BTC về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam.

DATC có trụ sở chính đặt tại Số 51, phố Quang Trung, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, thành phố Hà Nội, các chi nhánh, trung tâm, văn phòng đại diện, đơn vị hạch toán độc lập và phụ thuộc ở trong và ngoài nước.

Bảo Ngân