Mở rộng thị trường, nhưng kiểm soát chặt hoạt động
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định hoạt động của các công ty con, công ty liên kết thuộc tổ chức tín dụng trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC). Theo đó, các khoản nợ xấu được AMC quản lý và khai thác bao gồm cả nội bảng và ngoại bảng. Tuy nhiên, đối với hoạt động mua bán nợ, chỉ áp dụng với các khoản nợ xấu phát sinh từ hoạt động cho vay, khoản trả thay bảo lãnh hoặc hợp đồng cho thuê tài chính.
![]() |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Dự thảo Thông tư quy định hoạt động của các công ty con, công ty liên kết thuộc tổ chức tín dụng trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC). |
NHNN nhấn mạnh, với sự đa dạng của hoạt động tín dụng hiện nay, cần mở rộng phạm vi ủy quyền xử lý nợ cho AMC để đảm bảo đủ năng lực xử lý nợ xấu phát sinh trong hệ thống. Việc quy định rõ phạm vi hoạt động của AMC giúp tránh tình trạng tổ chức tín dụng lợi dụng cơ chế này để che giấu tình trạng nợ xấu thật sự.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã hình thành các mô hình AMC hiệu quả. Tại Hàn Quốc, các ngân hàng lớn như KB Kookmin, Shinhan hay Woori đều có công ty AMC riêng. Tại Trung Quốc, các ngân hàng quốc doanh như ICBC, CCB, BOC cũng xây dựng hệ thống AMC nội bộ để xử lý nợ xấu và tái cấu trúc tài sản.
Tại Việt Nam, mục tiêu ban đầu của việc thành lập các công ty quản lý nợ là xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng của tổ chức tín dụng. Vai trò của AMC trong việc thu hồi nợ khó đòi, tái cấu trúc khoản vay và làm sạch bảng cân đối kế toán là rất quan trọng. Do đó, tiếp tục phát triển các AMC theo hướng chuyên biệt và hiệu quả là điều cần thiết.
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc mở rộng hoạt động của các công ty mua bán nợ là cần thiết và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng nên trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho các công ty đủ điều kiện. Điều này sẽ giúp tăng khả năng thu hút vốn xã hội vào quá trình xử lý nợ xấu.
Giải phóng hơn 1 triệu tỷ đồng "vốn chết"
Hiện Chính phủ đang trình Quốc hội Dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó luật hóa ba chính sách quan trọng từ Nghị quyết 42/2017/QH14, bao gồm: Quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo thỏa thuận; Quy định kê biên tài sản bảo đảm trong một số trường hợp đặc biệt; Cơ chế hoàn trả vật chứng là tài sản bảo đảm sau khi hoàn tất thủ tục tố tụng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, ý thức trả nợ của khách hàng giảm sút, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng. Tính đến cuối tháng 2/2025, nợ xấu toàn hệ thống đã lên đến 5,47%, tăng thêm khoảng 34.000 tỷ đồng chỉ sau hai tháng.
Tổng quy mô nợ xấu hiện nay đã vượt 1 triệu tỷ đồng – một lượng vốn khổng lồ đang bị “đóng băng” trong khi nền kinh tế lại thiếu vốn lưu thông. Thêm vào đó, tài sản thế chấp gắn với các khoản vay khó có thể khai thác do vướng mắc pháp lý, càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Thị trường mua bán nợ – Lối ra bền vững
Các chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi đồng bộ hệ thống pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, bao gồm sửa Luật Các tổ chức tín dụng và ban hành thông tư về hoạt động của AMC, là bước đi cấp thiết. Hiện nay, gần 50% nợ xấu được các ngân hàng xử lý thông qua trích lập dự phòng. Tuy nhiên, bài học từ quốc tế cho thấy, cách xử lý bền vững nhất vẫn là phát triển thị trường mua bán nợ.
Do đó, cần thiết khuyến khích thành lập và mở rộng các công ty mua bán nợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng cho thị trường nợ. Đây được kỳ vọng sẽ là giải pháp đột phá để xử lý triệt để nợ xấu, giải phóng nguồn lực và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.