Công tác Quản lý thị trường- Còn nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm

00:00 12/10/2020

Theo Cục quản lý thị trường (QLBộ Công Thương), 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng đã kiểm tra gần 88.000 vụ; phát hiện, xử lý trên 40.680 vụ vi phạm. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn do nhiều nguyên nhân, trong đó, lực lượng yếu, trang thiết bị, kinh phí thiếu là những khó khăn lớn nhất.

Nhiều hàng hóa bị thu giữ nhưng thiếu kinh phí để xử lý theo quy địnhh

Vi phạm diễn ra thường xuyên

Đại diện Cục QLTT cho biết, 6 tháng đầu năm, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng QLTT cả nước tổ chức triển khai kịp thời, nghiêm túc các nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ Công Thương giao. Đồng thời nhằm xử lý nghiêm vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM), hàng giả, hàng kém chất lượng… Cục QLTT đã chủ trì, tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP); chống buôn lậu, GLTM và hàng giả tại các địa bàn trọng điểm. Đơn cử như Kiên Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Đáng chú ý, Cục QLTT đã chỉ đạo một số chi cục QLTT xác minh các trang web có dấu hiệu bán hàng giả; chỉ đạo giải quyết, xử lý một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan tới nhãn hiệu VINACA, Thanh Mộc Hương, Mumuso. "6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý gần 50 nghìn vụ vi phạm, trong đó có 8.443 vụ hàng cấm, hàng nhập lậu; 5.429 vụ hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và 26.809 vụ GLTM" - ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục QLTT nói và đánh giá - dù kết quả đạt được khá toàn diện, song tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, GLTM, vi phạm pháp luật về ATTP… vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, hàng hóa vi phạm chủ yếu là rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu, thuốc lá điếu, gia cầm… tại địa bàn các tỉnh biên giới Tây Nam (Long An, An Giang…), biên giới miền Trung (Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An…), biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn…).

Nguyên nhân và kiến nghị

Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Trọng Tín, trước hết do lợi ích kinh tế, các đối tượng buôn lậu, GLTM, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái… bất chấp mọi thủ đoạn để vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cũng có nguyên nhân nội tại từ lực lượng chức năng, như: Trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong khi hầu hết các địa bàn "nóng" về buôn lậu, hàng giả đều là địa bàn biên giới, điều kiện tác nghiệp khó khăn. Hơn nữa, kinh phí hoạt động thiếu thốn, đặc biệt là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng.

"Công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng và giữa cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương, dù đã được cải thiện, song vẫn thiếu chặt chẽ, đồng bộ" - ông Tín cho biết thêm.

Trong thời gian tới, để xử lý hiệu quả tình trạng buôn lậu, GLTM và hàng giả nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cùng với việc tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương kiến nghị các bộ, ngành phối hợp với Bộ Công Thương rà soát, sửa đổi, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao công tác quản lý và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT. Trong đó, cần sớm xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Đồng thời, các bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tại các tỉnh biên giới tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ biên giới vào nội địa.

Ông NguyễnTrọng Tín- Phó Cục trưởng Cục QLTT: Chính phủ sớm xem xét, ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường.

Hoàng Châu