Về diễn biến của ngành công nghiệp chế biến – chế tạo trong quý IV/2023 và quý I/2024, bà Phí Thị Hương Nga – Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng cho rằng: Bối cảnh thế giới 9 tháng đầu năm có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể, các nền kinh tế lớn trong đó bao gồm đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta đối mặt rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, kinh tế chưa bền vững, tăng trưởng thấp; cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng; nhiều quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp; thị trường tài chính, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong nước, một số cơ chế, chính sách và giải pháp của Chính phủ, các Bộ ngành ban hành thời gian qua cũng đã được tập trung triển khai và từng bước phát huy hiệu quả, củng cố tâm lý thị trường. Phần nào giúp doanh nghiệp, các nhà đầu tư cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Có thể kể tới những chính sách như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực; miễn giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất; đặc biệt là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút đầu tư, thúc đẩy liên kết vùng. Nhiều dự án quy mô lớn trong thời gian qua đã được khởi công, tăng tốc và đưa vào khai thác, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương và cả nước, góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới như vậy, kinh tế Việt Nam lại có độ mở lớn nên ảnh hưởng từ khó khăn bên ngoài cũng tác động tới cầu, làm cho đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trong thời gian qua.
Nhìn chung, tình hình công nghiệp 9 tháng đầu năm có xu hướng tích cực, biểu hiện: Từ tháng 5-nay chỉ số sản xuất công nghiệp tháng sau hơn tháng trước, quý sau cải thiện hơn quý trước. Trong đó ngành chế biến – chế tạo có sự cải thiện rõ rệt, với chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành tăng 4,3% so với cùng kỳ. Nhìn lại số liệu 9 tháng, có thể thấy tốc độ tăng trưởng quý III ở một số ngành đạt kết quả rất tích cực, tăng trên 10% so với cùng kỳ như: Sản xuất giường – tủ - bàn ghế, sản xuất kim loại, dệt, hóa chất, thuốc lá, cao su,…
Ngoài ra, còn có điểm rất tích cực nữa là một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi khá tốt, bên cạnh ngành dệt còn có ngành may, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, ngành chế biến gỗ, …
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng cũng thẳng thắn nhìn nhận, chiều ngược lại vẫn có những ngành gặp khó khăn nhất định như ngành sản xuất ô tô, sản xuất mô tô – xe máy. Hai ngành này trong thời gian qua do thị trường thu hẹp, phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nên có sự sụt giảm sản xuất.
Ở góc độ địa phương, có 52/63 địa phương ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Số lượng này ở quý II chỉ có 42 địa phương. Một số địa phương là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá như Bắc Giang, Hải Phòng,..
"Với hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều điểm tích cực và những tín hiệu tốt từ các doanh nghiệp (khối lượng sản xuất, đơn hàng, đơn hàng xuất khẩu) đều tăng trong quý III, cùng với đó là sự quyết liệt của Chính phủ và sự quyết tâm của các địa phương, chúng tôi tin tưởng sản xuất công nghiệp trong quý IV/2023 và quý I/2024 sẽ tiếp tục khởi sắc so với 9 tháng đầu năm" - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng nhận định.
Liên quan tới điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, với băn khoăn về tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn quý IV là 23,7%, Vụ trưởng Phí Thị Hương Nga phân tích: Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, ở quý III: 30,1% doanh nghiệp đánh giá là hoạt động tốt hơn, 37,5% giữ ổn định và 32,4% khó khăn hơn. Dự báo quý IV của các doanh nghiệp theo Tổng cục Thống kê đánh giá là khả quan hơn rất nhiều so với các quý còn lại. Cụ thể, 39,1% doanh nghiệp cho rằng tốt hơn, con số cho rằng khó khăn hơn đã giảm từ 32,4% xuống còn 23,7%.
Theo dõi nhận định của các doanh nghiệp chế biến – chế tạo từ đầu năm tới nay thì tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn quý trước đã cải thiện đáng kể, ngày càng giảm đi. Điều này phù hợp với kết quả mà Tổng cục Thống kê đã đưa ra.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận, một số ngành có phục hồi tích cực (dệt, cao su, sản xuất kim loại…) hay có tín hiệu khả quan (linh kiện điện tử, may,…) thì một số ngành còn khó khăn (sản xuất ô tô – xe máy, da – giày). Đặc biệt là ngành sản xuất ô tô – xe máy không những chưa phục hồi mà còn sụt giảm sâu trong cả 9 tháng đầu năm. Theo số liệu quan sát của Tổng cục Thống kê, con số 23,7% doanh nghiệp cho rằng quý IV/2023 khó khăn hơn tập trung chủ yếu ở các ngành da – giày, sản xuất ô tô – xe máy.
Hà Linh