Công nghệ 5G có thể sẽ cán mốc 1 tỷ người sử dụng nhanh hơn so với 4G

10:03 02/12/2022

Với kết nối 4G trước đó mất tới gần 6 năm để đạt được 1 tỷ người dùng. Nếu như mạng 5G chạm mốc này vào cuối năm, Ericsson cho rằng đây sẽ là kết nối được phổ cập nhanh nhất từ trước tới giờ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Ericsson vừa công bố các nghiên cứu mới nhất của mình liên quan đến mạng 5G, dự báo các kết nối truy cập không dây cố định toàn cầu sẽ phát triển nhanh hơn dự kiến ​​trước đó.

Báo cáo của Ericsson cho thấy, tính đến hết Quý 3/2022, cả thế giới hiện có hơn 870 triệu thuê bao 5G. Con số này chỉ kém hơn chút ít so với kỳ vọng về 1 tỷ thuê bao 5G năm 2022 trong những dự đoán trước đó. Nếu điều này trở thành sự thực, công nghệ 5G sẽ cán mốc 1 tỷ người sử dụng nhanh hơn so với 4G.

Với kết nối 4G trước đó mất tới gần 6 năm để đạt được 1 tỷ người dùng. Nếu như mạng 5G chạm mốc này vào cuối năm, Ericsson cho rằng đây sẽ là kết nối được phổ cập nhanh nhất từ trước tới giờ.

Tốc độ triển khai nhanh của 5G đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó, bao gồm sự sẵn có của các thiết bị hỗ trợ 5G giá rẻ đến từ nhiều nhà cung cấp và việc triển khai 5G sớm trên quy mô lớn tại Trung Quốc. Tính đến nay, đã có khoảng 700 mẫu điện thoại 5G được tung ra thị trường

"Việc các nhà mạng liên tiếp triển khai 5G ở thời điểm hiện tại là tín hiệu đáng mừng. Lượng dữ liệu di động năm sau gấp đôi năm trước khiến việc chuyển đổi sang kết nối mới là giải pháp tốt cho thời đại số", đại diện Ericsson, ông Fredrik Jejdling nói.

Kết nối 4G vẫn đang phát triển tuy nhiên không còn tăng trưởng cao như trước đây, trong khoảng từ tháng 7 tới tháng 9 năm nay, có thêm 41 triệu người dùng 4G mới nâng tổng số người dùng theo ước tính lên 5,2 tỷ vào cuối năm nay. Ericsson cũng cho hay tổng số đăng kí dịch vụ viễn thông toàn cầu cũng có thể vượt mốc 8,4 tỷ đầu số trong cuối năm 2022.

Việt Nam là một trong số những quốc gia sớm thực hiện thí điểm và ứng dụng 5G so với các khu vực
Việt Nam là một trong số những quốc gia sớm thực hiện thí điểm và ứng dụng 5G so với các khu vực.

Dự kiến, tới năm 2028 sẽ có khoảng 5 tỷ người dùng kết nối 5G, chiếm 55% tổng lượng đầu số đăng kí dịch vụ viễn thông. Ở thời điểm hiện tại, kết nối 6G vẫn còn đang ở giai đoạn phát triển sơ khai, với việc phát triển cơ sở hạ tầng không ngừng cho 5G tại nhiều khu vực trên thế giới, kết nối này sẽ còn tiếp tục phục vụ việc kết nối cho hàng tỷ người dùng trong nhiều năm tới.

Tại khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, báo cáo của Ericsson đưa ra dự đoán, số lượng thuê bao 5G trong khu vực sẽ đạt gần 30 triệu vào năm 2022. Con số này sẽ tăng lên thành 620 triệu thuê bao 5G vào cuối năm 2028, với tỷ lệ thâm nhập đạt 48%. 

Ở thời điểm đó, phạm vi phủ sóng 5G dự kiến sẽ đạt 85%, chiếm khoảng 70% lưu lượng truy cập di động và áp đảo về mức tăng trưởng so với các công nghệ kết nối cũ. Lưu lượng truy cập di động trên mỗi điện thoại thông minh dự kiến sẽ tăng từ 12,5GB/tháng vào năm 2022 lên 54GB/tháng vào năm 2028, tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép) đạt gần 30%.

Bắt đầu triển khai thử nghiệm 5G từ năm 2020, Việt Nam là một trong số những quốc gia sớm thực hiện thí điểm và ứng dụng 5G so với các khu vực và thế giới. Tính đến tháng 10/2022, cả nước đã thử nghiệm việc triển khai 5G ở 55 tỉnh, thành phố. 

Ông Denis Brunetti, Giám đốc Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, cho biết: “4G và 5G sẽ cho phép Việt Nam khai thác toàn bộ tiềm năng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Công nghiệp 4.0 - và sẽ là hạ tầng và nền tảng quốc gia quan trọng mà Việt Nam có thể dựa vào đó để tiếp tục tiến bước trên hành trình chuyển đổi số của mình, hỗ trợ tầm nhìn và chiến lược của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững thông qua khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Thu Hà (t/h)