Công khai DN nợ đọng BHXH trên các phương tiện truyền thông đại chúng

17:32 23/03/2021

Theo BHXH Việt Nam, đến đầu năm 2021, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn phổ biến.

Hiện tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN khoảng 26.592 tỉ đồng. Việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn khó khăn, vướng mắc. Số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng. 

Công nhân ngừng việc, tập trung trước Công ty Nam Phương đòi quyền lợi
Công nhân ngừng việc, tập trung trước Công ty Nam Phương đòi quyền lợi. 

Trước tình trạng nợ đọng BHXH tăng cao, nhiều đơn vị cố tình chây ì, BHXH Việt Nam khẳng định sẽ tăng cường thanh tra đột xuất các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm, phối hợp với cơ quan điều tra, khởi tố DN vi phạm.

BHXH TP HCM cho biết, năm 2021 sẽ thực hiện thanh tra chuyên ngành 66 DN sử dụng đông lao động, nợ BHXH từ 6 tháng trở lên. Bên cạnh đó, BHXH TP cũng sẽ thanh tra đột xuất các DN nợ BHXH trên 3 tháng với số tiền lớn. Hiện toàn TP HCM có 664 DN nợ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền hơn 1.000 tỉ đồng của gần 30.000 lao động. Trong đó, nhiều DN sử dụng 500-1.500 lao động, nợ BHXH từ 12-27 tỉ đồng trong nhiều tháng liền, gây thiệt thòi quyền lợi cho người lao động (NLĐ).

Thời gian qua, BHXH TP đã chuyển hồ sơ của 79 DN chây ì khắc phục nợ sau khi bị thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính sang cơ quan công an đề nghị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Thời gian gần đây, BHXH TP Hà Nội cũng liên tục công khai danh sách 500 đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH lớn từ 6-24 tháng với tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng. Đại diện BHXH TP Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều đơn vị, DN rất khó duy trì sản xuất - kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến việc tìm nguồn trích nộp BHXH, BHYT.

Nhiều ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 đã khiến tình hình sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất khẩu…, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm của NLĐ. Đồng thời, với việc phải hạn chế trong thanh tra, kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại đơn vị, DN dẫn đến số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị, BHXH các địa phương đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trong tháng. Đồng thời, công khai DN nợ đọng trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Lâm Nghi

 
Tags: