Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào giải pháp đúng để tạo sức bật

19:09 28/03/2021

Năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp tác động không nhỏ đối với nền kinh tế của đất nước. Các chuyên gia kinh tế nhận định, để phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, cần nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ thông qua việc miễn, giảm một số loại thuế và chi phí đầu vào khác.

Theo thống kê từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hai tháng đầu năm nay có trên 33.600 doanh nghiệp rời thị trường, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục nghe ngóng, xem xét diễn biến thị trường và tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trước khi quyết định có đóng cửa vĩnh viễn hay không. 

  Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào giải pháp đúng để tạo sức bật.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính vừa có tờ trình trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Đây là lần thứ ba Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Theo đó, đối với thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng. Dự kiến, số thu ngân sách của các tháng đó giảm khoảng 68.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị gia hạn một số loại thế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 trong các ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn; tiền thuê đất. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỉ đồng…

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là một động thái đúng đắn và kịp thời. Việc hoãn, giãn thuế là vô cùng cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đang phải thực hiện mục tiêu kép, vừa sản xuất, vừa chống dịch.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nêu ý kiến: "Trong lúc doanh nghiệp có khó khăn, nhà nước thiệt hơn một chút để cho doanh nghiệp chậm nộp thuế. Khi mà doanh nghiệp vượt qua khó khăn rồi, có thể tăng doanh thu, tăng số lượng sản phẩm và qua đó tăng thêm được tiền thuế. Lúc đó mới có thể thu tiếp vòng 2 vào ngân sách nhà nước".

Một số ý kiến cũng cho rằng, không chỉ hoãn, giãn thuế, các Bộ ngành chức năng cần tính toán phương án miễn, giảm một số loại thuế, phí cho doanh nghiệp để có thể giảm chi phí đầu vào, phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn. Cần giảm bớt các khâu thanh, kiểm tra trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời, có thể giảm thuế VAT của một số ngành hàng để kích cầu tiêu dùng.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp mong muốn được đối xử bình đẳng giữa các ngành kinh tế. "Điều này quan trọng. Việc giảm thuế để kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp, những cái gì có trong tay của Nhà nước như tiền sử dụng đất khoan hãy tăng, đây là điều mà các doanh nghiệp ta mong muốn. Thuế thu nhập doanh nghiệp bây giờ cũng đi xuống 20% là cũng tương đối rồi, thuế VAT nếu nếu giảm được 10% xuống 5% cho một số ngành hàng mà mình cần khuyến khích thì nên điều chỉnh giảm xuống để kích cầu, cái mà Nhà nước hỗ trợ được nên hỗ trợ thực chất", ông Hưng nói. 

 Giảm thuế là việc làm cần thiết cho doanh nghiệp phục hồi phát triển.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ “đúng và trúng” mà cần nhanh chóng và thiết thực, tránh tình trạng không thể tiếp cận gói hỗ trợ do các thủ tục rườm rà, phức tạp.

Nhiều ý kiến của doanh nghiệp cũng cho rằng, trong năm nay và những năm tiếp theo Chính phủ cần tiếp tục có thêm cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và cơ cấu lại sản xuất kinh doanh.

Những giải pháp cần phải được thực hiện một cách dài hạn nhằm tạo sức bật cho doanh nghiệp, cùng với đó, các chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, mềm dẻo để vực dậy nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng như hiện nay.

QV