Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc. Ảnh: An Đăng – TTXVN
Theo đó, điểm lại tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ từ tháng 1/2018 đến hết 31/8/2018, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, còn 58 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời; trong đó có 36 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ tiếp nhận thông báo cho VCCI và 22 kiến nghị do VCCI tiếp nhận chuyển các bộ, ngành, địa phương.
Các kiến nghị này thuộc trách nhiệm trả lời của các bộ như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Phúc.
"Nhìn chung, số lượng kiến nghị chưa được trả lời thuộc trách nhiệm giải quyết của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là khá nhiều. Đây là điều đáng được quan tâm để xử lý và giải quyết dứt điểm, nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cộng đồng doanh nghiệp; thể hiện đúng chủ trương Chính phủ kiến tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển." ông Lộc nhấn mạnh.
Riêng trong tháng 8/2018, có 30 kiến nghị mới của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi tới các bộ, ngành và địa phương đề xuất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh.
Nội dung cơ bản của 30 kiến nghị mới bao gồm: xem xét lại đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng nước ngọt có đường; đề nghị sửa đổi quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất hóa lý giống nhau theo Thông tư số 44/2017/TT-BTC; góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; kiến nghị Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ hủy Bằng độc quyền Kiểu dáng Công nghiệp vi phạm; kiến nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiếp cận tín dụng, thông qua nâng cao năng lực quản trị và minh bạch hoạt động tài chính; phản ánh bất cập trong Đề án "Lộ trình sử dụng Amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp Amiang từ năm 2023"...
Qua theo dõi của VCCI, đến hết 31/8/2018, đã có 19 kiến nghị được các bộ, ngành, địa phương trả lời, còn 5 kiến nghị chưa trả lời thuộc trách nhiệm của các bộ như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Tất các các kiến nghị chưa trả lời đều đã quá thời hạn quy định. Đây là 24 kiến nghị được Văn phòng Chính phủ chuyển về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tập hợp, ngoài ra, còn có 6 kiến nghị từ các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp gửi trực tiếp về VCCI.
Thạch Huê/BNEWS/TTXVN