Cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục là tâm điểm trong phiên giao dịch chứng khoán đầu tháng 11. Theo đó, áp lực xả cổ phiếu HPG chưa có dấu hiệu dừng lại sau khi doanh nghiệp này công bố khoản lỗ 1.786 tỷ đồng trong quý III, cộng thêm nhận định bi quan của một số nhóm phân tích về triển vọng ngành thép trong những tháng cuối năm.
Cổ phiếu "quốc dân" tiếp tục chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư khi ghi nhận cả chiều mua và bán cao kỷ lục. Tổng giá trị giao dịch xác lập mức cao nhất 81,55 triệu cổ phiếu được sang tay (tương đương 1.244 tỷ đồng), chiếm đến 15,4% tổng lượng giao dịch trên sàn HoSE.
Cổ phiếu HPG phần lớn thời gian chìm trong sắc đỏ dưới áp lực bán tháo. Trong đó, khối ngoại vẫn rất quyết liệt "xả hàng" cổ phiếu ngành thép khi bán ròng kỷ lục hơn 34 triệu đơn vị (tương đương giá trị -531 tỷ đồng).
Dù vậy, lực nâng đỡ là rất tốt khi cổ phiếu vẫn không thể chạm đến giá sàn. Kết phiên giao dịch, thị giá HPG giảm mạnh 4,2% về 15.000 đồng về mức thấp nhất 2 năm và là mã gây ra tác động xấu nhất lên chỉ số. Nếu tính từ vùng đỉnh lịch sử hồi tháng 11/2021, thị giá HPG đã mất 2/3 giá trị.
HPG đứng đầu danh sách những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Dù vậy, diễn biến tích cực ở các mã vốn hoá lớn ngành ngân hàng như VCB, VPB, TCB, TPB, STB đã giúp chỉ số duy trì sắc xanh phiên thứ hai liên tiếp. VN-Index tăng gần 6 điểm, đóng cửa sát mốc 1.034 điểm.
Khác với phiên giảm đồng thuận hôm qua, diễn biến các mã cùng ngành với Hoà Phát có sự phân hoá mạnh.
Cụ thể, NKG của Thép Nam Kim – doanh nghiệp mới báo lỗ hơn 400 tỷ đồng giảm gần 5%. Trong khi đó, HSG của Tập đoàn Hoa Sen mới báo lỗ khoảng 900 tỷ đồng nhưng hôm nay có thời điểm chạm trần trước khi thu hẹp biên độ tăng còn 2,2%. TLH của Thép Tiến Lên và POM của Thép Pomina lần lượt 1,3% và 5,5%.
Ngoài ngân hàng và các mã thép vốn hoá nhỏ, sắc xanh còn xuất hiện ở nhóm chứng khoán, cảng biển, bất động sản.
Bảo Khánh (T/h)