Kinh tế Mỹ đang có những tiến bộ nhất định, GDP trong quý 2 tăng 2,1%, chỉ số sản xuất PMI vẫn duy trì trên 50, lạm phát toàn phần giảm về 3,7%/năm trong tháng 9/2023. Quan trọng, sau thời kỳ kiềm chế mua sắm khiến giá quần áo giảm sâu, thậm chí có sản phẩm rơi vào giá đáy, tháng 7,8,9 lượng hàng bán ra khá lớn, tồn kho đã giảm mạnh so với dự báo. Đây là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy tiêu dùng cùng những thị trường có xu hướng hồi phục.
Với những tín hiệu tích cực trên, năm 2024 doanh nghiệp dệt may được khuyến cáo cần tận dụng, tập trung cho việc tìm kiếm khách hàng mới, đặt mục tiêu tăng trưởng cao tại thị trường Mỹ. Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam phấn đấu xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 10%, đồng thời giữ được thị phần ở các thị trường khác.
Để làm được điều này, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần lưu ý chọn đúng điểm rơi để làm kế hoạch, bình tĩnh đánh giá thị trường. Theo dõi sát trong 1-2 tháng tới về phản ứng của doanh nghiệp Mỹ chuyển biến ra sao sau khi hai nước chính thức nâng tầm Đối tác chiến lược Toàn diện để sớm có kế hoạch hành động.
Hiện, một số tập đoàn lớn của Mỹ trong đó có Walmart đã thông báo tìm kiếm, mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam, tạo cơ hội đáng kể cho doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường. Cùng với đó, cơ hội thúc đẩy đầu tư và xây dựng chuỗi cung ứng vào Việt Nam trong bối cảnh hạn chế nguồn cung từ Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các nhà nhập khẩu Mỹ.
Dù kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng từ sự ảm đạm của kinh tế toàn cầu, tiêu dùng suy giảm, song các nhà mua hàng ở Mỹ vẫn xác định Việt Nam là thị trường cung ứng quan trọng, nhất là khi họ muốn tìm nguồn cung ngoài Trung Quốc, đa dạng chuỗi cung ứng và đặc biệt coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực. Việt Nam cũng có cơ hội để trao đổi với Mỹ về khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ trong đó có dệt may.
Theo các chuyên gia, bên cạnh tín hiệu sáng từ thị trường Mỹ, năm 2014 còn một số điểm thuận lợi cho doanh nghiệp dệt may khởi sắc hơn. Trong đó, giá cược vận tải biển tiếp tục giảm, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam vẫn diễn ra.
Do vậy, thời gian tới các doanh nghiệp dệt may trong nước được khuyến cáo, với ngành may cần tính toán giảm tỷ lệ sản phẩm giá rẻ (khoảng 20%), thay đổi kết cấu loại hàng, đầu tư thêm thiết bị chuyên dùng, đảm bảo công nhân lành nghề có thu nhập tương xứng, hướng đến đích tăng doanh thu và lợi nhuận trên đầu người…
Ngọc Phi (TH)