Cơ cấu vốn FDI chưa phù hợp theo định hướng phát triển nông nghiệp

15:57 10/04/2024

Theo các chuyên gia, cơ cấu vốn FDI hiện tại chưa phản ánh đúng định hướng phát triển của các lĩnh vực trong nông nghiệp. Các lĩnh vực như trồng lúa và xuất khẩu gạo, chế biến thủy sản, chế biến nông sản, thực phẩm... vẫn chưa thu hút được nhiều FDI.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực, tạo ra cơ hội việc làm cho người nông dân, đồng thời đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp và đóng góp tích cực vào xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ cấu vốn FDI hiện tại chưa phản ánh đúng định hướng phát triển của các lĩnh vực trong nông nghiệp. Đầu tư FDI chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chế biến và xuất khẩu gỗ, chăn nuôi, thu mua và xuất khẩu cà phê, hồ tiêu... Trong khi đó, các lĩnh vực như trồng lúa và xuất khẩu gạo, chế biến thủy sản, chế biến nông sản, thực phẩm... vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI.

Cơ cấu vốn FDI chưa phù hợp theo định hướng phát triển nông nghiệp
Cơ cấu vốn FDI chưa phù hợp theo định hướng phát triển nông nghiệp.

Theo Báo cáo “Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam: Thực trạng và xu hướng phát triển giai đoạn 2020 tới tháng 9/2023”, vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ đã tăng trở lại. Trong ba quý đầu năm 2023, số dự án mới đăng ký đầu tư vào ngành chế biến gỗ đã tăng và số vốn góp mới cũng tăng đáng kể so với cả năm 2022. Cụ thể, có 33 dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ, với tổng vốn đầu tư 217,56 triệu USD. Trong đó, các dự án tập trung vào chế biến gỗ chiếm tỷ lệ lớn.

Đối với ngành chăn nuôi, ba năm gần đây (2021-2023) là giai đoạn thu hút FDI mạnh mẽ. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, với 81 dự án tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau như thức ăn, chăn nuôi heo, gà, bò, chế biến thịt...

Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào chăn nuôi thường là các thương hiệu toàn cầu, họ không chỉ phát triển một ngành mà là cả một hệ sinh thái ngành chăn nuôi từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, chăn nuôi, chế biến sản phẩm. Các tập đoàn như C.P, Japfa, New Hope, Emivest, De Heus, IFC... đều có mặt trong thị trường này.

Mặc dù số lượng các doanh nghiệp FDI trong chăn nuôi chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với tổng số doanh nghiệp, nhưng với quy mô lớn, các doanh nghiệp này vẫn chiếm tỷ lệ lớn về sản lượng sản phẩm. Điều này góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, từ đó tăng cường xuất khẩu và phát triển ngành này.

P.V (t/h)