Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh
Theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đến năm 2021, các bộ, ban ngành, tổ chức chính trị xã hội, các tỉnh, thành phải giảm được tối thiểu 10% biên chế. Tính trung bình từ 2015 đến 2021 là 7 năm, mỗi năm phải giảm được tối thiểu 2% biên chế. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017 phát hiện thừa biên chế hơn 57.000 người trong khu vực Nhà nước. Còn kết quả 2 năm thực hiện tinh giản, tăng thêm 96.000 người. Năm 2021 đang đến gần, dư luận băn khoăn mục tiêu giảm 10% đến 2021 có thể thực hiện thành công được không?
Trách nhiệm người đứng đầu trong tinh giản biên chế
Chia sẻ với băn khoăn này, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ quả quyết, theo tiến độ hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu. Ông Dĩnh phân tích, trước hết là do quá trình thực hiện, các chủ trương, nghị quyết đều đã rõ các giải pháp nhưng trong thực tiễn còn rất nhiều hạn chế. Hiện các cơ quan, đơn vị chủ yếu dựa vào sự tự giác của cán bộ công chức viên chức, trong khi các chủ trương khẳng định trách nhiệm là của người đứng đầu. Qua quá trình đánh giá, phân loại trong phân công nhiệm vụ, trường hợp nào không đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm hoặc năng lực, sức khỏe còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ thì phân loại đưa vào kế hoạch để tinh giản theo lộ trình chứ không thể dựa vào sự tự giác.
Rồi thực tiễn đánh giá, phân loại của cán bộ công chức viên chức lại cho thấy đi ngược hoàn toàn với thực tế ở nhiều cơ quan đơn vị. Kết quả đánh giá vừa qua cho thấy khoảng 97% cán bộ công chức viên chức đạt, hoàn thành tốt, đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong khi dư luận nói 30% công chức viên chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Nêu ra như vậy để thấy trách nhiệm của người đứng đầu còn rất hạn chế.
Lý do nữa theo ông Dĩnh là ở khối lượng công việc của các cơ quan Nhà nước còn khá lớn. Nghị quyết yêu cầu phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và toàn bộ bộ máy của Nhà nước, để những việc mà khối Nhà nước làm không hiệu quả thì chuyển giao nhanh, nhưng thực tế còn hạn chế. Khối lượng công việc lớn cũng đòi hỏi số lượng cán bộ công chức viên chức càng nhiều thêm, đặc biệt là khối lượng công việc của viên chức ở khối giáo dục, y tế.
Tổng hợp những vấn đề trên, ông Dĩnh cho rằng, đó là nguyên nhân khiến cho quá trình tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy còn rất khó khăn, hạn chế.
Vậy làm thế nào để có thể đánh giá cán bộ một cách thực chất, để tinh giản được đúng đối tượng và xác định được trách nhiệm của người đứng đầu?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, Nghị định 56 của Chính phủ đã quy định rõ, trong quá trình đánh giá phân loại, người nào giao nhiệm vụ, người đó chịu trách nhiệm đánh giá. Như vậy, đầu tiên vẫn phải là trách nhiệm của người đứng đầu, phải đánh giá phân loại bằng được những đối tượng để tinh giản, thu hút những người giỏi, lớp trẻ vào làm việc, chứ không phải đưa ra khỏi Nhà nước bất cứ đối tượng nào. Kết quả tinh giản “nhỏ giọt” như thời gian qua không thể không có trách nhiệm của người đứng đầu. Chừng nào còn né tránh, nể nang, dựa vào ý kiến tập thể, việc đánh giá không thể thực chất.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, tinh giản là để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy. Một mặt cần phải giảm được những đối tượng năng lực hạn chế không đáp ứng được vị trí công việc, sức khỏe không đảm bảo để thu hút những người trẻ có chất lượng, đáp ứng yêu cầu. Như vậy không có có nghĩa là giảm mà không có tuyển, mà tuyển theo nguyên tắc “ra 2 vào 1”.
Một yêu cầu nữa đối với người đứng đầu là phải rà soát chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình cho phù hợp. Theo tinh thần của nghị quyết, cơ quan nhà nước chỉ tập trung vào vấn đề thể chế, chiến lược, kế hoạch, kiểm tra đôn đốc và thực hiện chính sách, còn lại có thể chuyển giao, xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp, công ty cổ phần hoặc cho tự chủ. Có như vậy mới không gây sức ép về ngân sách.
Khuyến khích cán bộ nghỉ sớm là rất khó và không phù hợp
Nhận xét về một số giải pháp ở nhiều cơ quan, bộ ngành, địa phương, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, các giải pháp theo Nghị định 108 của Chính phủ là phù hợp trong điều kiện hiện nay. Còn giải pháp của Đà Nẵng chi một khoản tiền để khuyến khích cán bộ công chức viên chức nghỉ sớm là rất khó và không phù hợp bởi cơ bản vẫn là dựa vào tính tự giác của cán bộ. Nếu không đánh giá cẩn thận, nguồn ngân sách eo hẹp lại được dùng chi cho những người có năng lực muốn nghỉ sớm, ra ngoài làm ăn trong khi những người cần tinh giản, đối tượng năng lực hạn chế, không phù hợp với vị trí việc làm hoặc không đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm đó thì vẫn ngồi đó. Đấy là gánh nặng và mục tiêu đặt ra không thực hiện được/.
Theo VOV