Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, bà Nguyễn Trần Hoàng Yến, Giám đốc tổ chức phân phối và cung ứng của Nestlé Việt Nam cho biết, Nestlé Việt Nam, động lực tăng trưởng bền vững được thiết lập dựa trên các trụ cột, bao gồm “Chuyển đổi số”, “Đổi mới - Người tiêu dùng là trọng tâm” và “Phát triển bền vững”.
Trong đó, chuyển đổi số được xác định là quá trình bao trùm toàn bộ cơ chế vận hành của công ty, giúp tạo ra nền tảng cho sự tăng trưởng, thúc đẩy tính linh hoạt, tạo ra sự hiệu quả trong quá trình quản lý và vận hành, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững chung của doanh nghiệp và cộng đồng.
Với mô hình “Nhà máy kết nối”, Nestlé Việt Nam đã đặt ra ưu tiên số hóa về mặt dữ liệu, từ đó tìm kiếm và áp dụng các công nghệ phù hợp. Trong chiến lược chuyển đổi số, Nestlé Việt Nam đã trang bị và phát triển các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhân viên để tiếp cận và làm chủ công nghệ.
Trong quá trình triển khai “Nhà máy kết nối”, sau mục tiêu số hóa là mục tiêu ứng dụng công nghệ trong việc thu thập và phân tích dữ liệu, xây dựng mô hình dự đoán trong các hoạt động sản xuất và bảo trì.
Việc áp dụng công nghệ và xây dựng mô hình này đã giúp phân tích quy trình, góp phần phân tích xu hướng và phát hiện những vấn đề bất thường trong sản xuất. Hoạt động này đã giúp nhà máy nâng cao năng suất và chất lượng rõ rệt.
Để chuyển đổi số thành công, Nestlé Việt Nam đã có chiến lược, sự đầu tư đúng đắn cũng như ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, các công cụ phân tích kinh doanh để đem lại hiệu quả và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Công ty không ngừng đầu tư công nghệ, chuỗi giá trị và đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến đảm bảo xuất khẩu bền vững và gia tăng giá trị cho sản phẩm “Made in Vietnam”.
“Chuyển đổi số ở Nestle nói chung và Nestlé Việt Nam nói riêng không chỉ ở bộ phận logistics, bộ phận cung ứng mà diễn ra trên toàn bộ hoạt động của công ty. Chuyển đổi số giúp chúng tôi kết nối được với hoạt động trên toàn cầu, đặc biệt là kết nối trong giao nhận và kết nối đối tác tại khắp các nơi trên thế giới”, bà Yến nói.
Cũng theo Giám đốc tổ chức phân phối và cung ứng của Nestlé Việt Nam, Nestlé xuất khẩu tới rất nhiều thị trường trên toàn cầu. Nếu không có sự chuyển đổi số đồng bộ sẽ không thể tạo được hệ thống thông minh kết nối rộng khắp.
Nestle toàn cầu hiện có hệ thống ứng dụng cho xuất khẩu kết nối với 14 hãng tàu biển, các nhà nhập khẩu nội bộ của Nestle. Nestlé Việt Nam vận hành hiệu quả trong hệ thống thông minh này, từ thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu cho tới phân phối và vận chuyển hàng hóa một cách nhanh chóng.
Đặc biệt, hệ thống chuyển đổi số thông minh này có thể nắm rõ lịch trình tàu hàng đang đi tới đâu thông qua sự kết nối và đồng bộ hệ thống xuất khẩu.
“Tại Việt Nam, chúng tôi tiến hành thực hiện hệ thống trung tâm vận chuyển kết nối từ khi khách hàng gửi đơn hàng cho tới khi vận chuyển hàng. Hệ thống thông minh sẽ tự động chia nhỏ đơn hàng (nếu là đơn hàng lớn) dựa trên dữ liệu nhập vào, đồng thời, phân chia lượng hàng hóa theo kích cỡ trọng lượng xe tải sao cho phù hợp với tiêu chuẩn”, bà Yến cho biết.
Hướng tới xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững, bà Yến kiến nghị Chính phủ cần có chính sách đồng bộ và thiết thực hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Hoài Anh