Chuyển đổi số là điều tất yếu sẽ xảy ra và phải xảy ra trong thời đại mới

09:32 09/03/2021

Theo nhiều chuyên gia, công nghệ và chuyển đổi số sẽ là xu thế hoạt động của doanh nghiệp trong thời kỳ hậu COVID-19. Do đó, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải có cả phần cứng, phần mềm, có những giao dịch với nền tảng công nghệ số...

(Ảnh: Internet)

COVID-19 mang lại cơ hội và cú huých trăm năm để đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số trên bình diện toàn bộ quốc gia: cả kinh tế, cả xã hội; cả nhà nước, cả doanh nghiệp; cả cộng đồng, cả người dân. Việt Nam có lợi thế so sánh về chuyển đổi số. Việt Nam có lợi thế là có nhiều doanh nghiệp viễn thông, CNTT mạnh, và đây là lúc phát huy để đất nước bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Đất nước có thể nhân lúc này mà đầu tư mạnh cho chuyển đổi số, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Đây cũng là cơ hội phát triển thị trường trong nước. 100 triệu dân là thị trường, là tài nguyên lớn nhất của Việt Nam. Lúc COVID-19 mới càng thấy rõ giá trị này. Các doanh nghiệp Việt Nam phải coi thị trường trong nước là cái nôi để từ đây mà lớn lên, trưởng thành và đi ra toàn cầu. Nhà nước cũng đã đến lúc quan tâm phát triển thị trường trong nước, đây là kế lâu bền.

Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chiếm hơn 98%. Các doanh nghiệp dạng này sử dụng 70% lực lượng lao động và đóng góp khoảng 50% GDP. Khi COVID-19 diễn ra, trên 90% SMEs chịu ảnh hưởng tiêu cực, doanh thu sụt giảm 50%, số doanh nghiệp ngừng hoạt động lên mức 24%.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, chuyển đổi số nên bắt đầu sớm và doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được nếu có quyết tâm.

Đối với các DNNVV, tuy nguồn lực có hạn chế nhưng lợi thế lại ở chỗ do có quy mô nhỏ nên chuyển đổi số sẽ dễ dàng và ở trong phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn so với doanh nghiệp lớn. “Cần nhất của chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy người lãnh đạo đến xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân sự và cuối cùng mới là yếu tố công nghệ”, ông Dũng chia sẻ bí quyết.

Ngoài ra, cũng nói về vấn đề chuyển đổi số, trong một lễ kỷ niệm 25 năm thành lập một tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam, hồi tháng 11/2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã từng nói doanh nghiệp công nghệ số cần tái sinh để trường tồn, nhận về mình một sứ mạng quốc gia để chuyển đổi số và sáng tạo, thiết kế và làm ra sản phẩm, công nghệ tại Việt Nam...Việt Nam sẽ tập trung phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số. Một là các doanh nghiệp công nghệ lớn làm chủ nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi, khoảng 10-20 doanh nghiệp, có tiềm lực tài chính, thị trường và nhân lực. Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hai là các doanh nghiệp công nghệ đã có 10-20 năm kinh nghiệm, hiện chúng ta đang có hàng ngàn, nhưng lại đang chủ yếu làm gia công thì nay sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platforms chuyển đổi số. Ba là các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chúng ta sẽ cần hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp loại này. Bốn là các các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá. Việt Nam có được hàng trăm doanh nghiệp loại này thì đã là rất thành công. Chúng ta sẽ là ai trong số bốn loại hình doanh nghiệp trên?

Hãy tiếp tục mở lối tiên phong! Hãy nhận về mình những thách thức lớn hơn, hãy giải những bài toán khó của đất nước và từ đó đi ra thế giới.

TH