Đồng hành cùng DNNVV chuyển đổi số
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có trên 57.000 doanh nghiệp, trong đó số DNNVV chiếm hơn 97%. Đây là đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng do tác động tiêu cực từ thị trường, kinh tế - xã hội. Bởi vậy, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, hơn 90% DNNVV bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thị trường truyền thống và sản xuất bị thu hẹp.
Để doanh nghiệp không “đơn độc” trên hành trình mở cửa, khôi phục lại sản xuất sau tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, tỉnh Bình Dương đã triển khai những chính sách và giải pháp thiết thực, kịp thời nhằm hạn chế số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa thích ứng với tình hình mới, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh, lớn mạnh về quy mô và cải thiện tuổi thọ bình quân thì bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bình Dương hiện đang có các chính sách hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng doanh nghiệp, được đẩy nhanh vào thực tiễn. Trong năm 2021, tỉnh Bình Dương cũng đã giao Becamex IDC hoàn thành xây dựng giai đoạn đầu Trung tâm Sản xuất thông minh 4.0. Trung tâm được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đặt ra đề bài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo kế hoạch, các lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số tại tỉnh Bình Dương gồm y tế, giáo dục, sản xuất công nghiệp và logistics, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, quy hoạch và quản lý đô thị, nông nghiệp, vực văn hoá và du lịch, năng lượng. Để thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp, gồm chuyển đổi nhận thức, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu; ứng dụng, phát triển nền tảng số; bảo đảm an toàn và an ninh thông tin; nghiên cứu, phát triển, hợp tác quốc tế và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; phát triển nguồn nhân lực, đo lường chuyển đổi.
Trong bối cảnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, việc áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế.
Với sự phát triển bùng nổ của thị trường mua sắm trực tuyến, để góp phần xây dựng thị trường thương mại điện tử (TMĐT) lành mạnh tại Bình Dương và hỗ trợ doanh nghiệp bắt kịp đà phát triển, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương Bình Dương xây dựng Sàn TMĐT với nhiệm vụ liên kết, giao lưu, hợp tác giữa các thành phần kinh tế và người tiêu dùng, triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp từ khi bắt đầu tham gia đến lúc kinh doanh, hoạt động trên môi trường trực tuyến. Sàn TMĐT Bình Dương sẽ kết nối và mở ra một "cánh cửa mới" cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bình Dương nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng phát triển thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
Doanh nghiệp cần tăng tốc chuyển đổi số
Bình Dương có 403 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, trị giá hơn 6,8 tỷ USD. Hàng nghìn DNNVV tại Bình Dương sẽ nhận được sự hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số từ UBND tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các DNNVV cần các công cụ chuyển đổi số để thay đổi cách thức hoạt động và kinh doanh trong môi trường mới.
Các DN ngày nay không thể đứng ngoài xu hướng thay đổi rõ rệt sau đại dịch COVID-19, đó là chuyển từ offline sang online. Chuyển đổi số là công cụ giúp DN không bị “bỏ lại” trước nhiều thách thức mới. Chuyển đổi số bao gồm ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và vận hành, chuyển đổi mua - bán trực tiếp sang trực tuyến, từ tiếp thị truyền thống sang kỹ thuật số và các phương thức đổi mới sáng tạo khác.
Mới đây, tại Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường một phần tư thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng”, GS.TS Võ Xuân Vinh – Viện Nghiên cứu Kinh doanh, trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Bước vào ngưỡng cửa của cuộc CMCN 4.0, trong bối cảnh các doanh nghiệp trên thế giới đã có những chuyển mình mạnh mẽ, Bình Dương cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy nhanh việc chuyển đổi số. Tiến trình đang có nhiều thuận lợi do Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số để chuyển đổi song hành cùng các doanh nghiệp.
Về định hướng chiến lược, quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp cần tập trung vào hai mảng chính gồm: Chuyển đổi số mô hình kinh doanh và Chuyển đổi số năng lực quản trị. Trong đó, chuyển đổi số mô hình kinh doanh là việc chuyển đổi từ các kênh bán hàng truyền thống sang bán hàng đa kênh, áp dụng công nghệ số vào hoạt động chăm sóc khách hàng để tạo ra giá trị mới thông qua sử dụng các kênh bán hàng hiện đại và các sàn thương mại điện tử.
Các ứng dụng trên điện thoại di động phục vụ mục đích giao hàng và vận chuyển sản phẩm có thể đáp ứng đúng nhu cầu vận chuyển của doanh nghiệp. Về mặt marketing, doanh nghiệp cần sử dụng các nền tảng quảng cáo trực tuyến như Google hay Facebook tiếp cận tới khách hàng tại các khu vực địa lý khác nhau. Đây là điều mà các cách thức truyền thống không thể làm được.
Thực hiện áp dụng công nghệ số đối với kênh tiếp thị, bán hàng và phân phối là yếu tố then chốt để doanh nghiệp nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của mình. Đồng thời với tăng trưởng về mặt khách hàng và doanh thu, doanh nghiệp cần tập trung phát triển và duy trì năng lực quản trị nội bộ để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mô hình quản trị bao gồm con người và tổ chức, hệ thống công nghệ thông tin và quản trị dữ liệu, các nghiệp vụ quản lý, quản lý rủi ro và an ninh mạng cần được tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản trị của từng thời kỳ.
Với nhu cầu số hóa các quy trình như quy trình thanh toán, kế toán, quy trình xuất kho, quản lý nhân sự, ngày càng gia tăng, doanh nghiệp có thể ứng dụng các giải pháp như ERP, MES, PLM, SCM, HRM, các hệ thống chấm công, tính lương, hệ thống bán lẻ POS và hệ thống quản lý kênh phân phối DMS.
Trong khi đó, dưới góc độ Doanh nghiệp, ông Huỳnh Thanh Tùng - Trưởng Ban Phát triển nhân lực và CĐS Hiệp hội gỗ tỉnh Bình Dương cho rằng, số hoá và CĐS trong ngành gỗ có vai trò hết sức quan trọng, góp phần tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp gỗ cần xây dựng được kế hoạch CĐS, trong đó áp dụng vào lĩnh vực quản lý và sản xuất sẽ tạo ra năng suất tăng gấp đôi, giảm lao động một nửa, tốc độ sản xuất hiệu quả hơn nhờ sử dụng các công nghệ tự động hoá. Theo ông, ba yếu tố gồm: CĐS, tự động hoá và số hoá sẽ tạo ra bước nhảy vọt cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp khác cũng cho rằng để chuyển đổi số của doanh nghiệp thành công thì doanh nghiệp cần lập kế hoạch xây dựng chiến lược chi tiết, thay đổi nhận thức, tư duy, loại bỏ các rào cản, xây dựng chính sách và quy trình phù hợp, bắt đầu từ hạ tầng cơ sở. Các yếu tố để chuyển đổi số thành công gồm: Tư duy và quyết tâm của lãnh đạo, chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, năng lực về con người của tổ chức, chuẩn hoá, số hoá hệ thống quy trình, đầu tư ứng dụng công nghệ…
Hoàng Thu