Bài liên quan |
Đề xuất quy định quản lý thuế đối với kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử |
Những điểm mới trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết |
Theo thông báo, các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không có văn phòng đại diện tại Việt Nam như Google, Meta, Apple, Netflix, TikTok, Microsoft… sẽ được chuyển từ Chi cục Thuế doanh nghiệp lớn sang Chi cục Thuế thương mại điện tử. Đồng thời, bộ phận phụ trách cũng được điều chỉnh từ Phòng Kê khai - Kế toán Thuế và Cơ sở dữ liệu sang Phòng Quản lý Thuế số 1.
Dù thay đổi cơ quan quản lý, các thủ tục kê khai, đăng ký và nộp thuế vẫn tiếp tục được thực hiện qua Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài tại địa chỉ: https://etaxvn.gdt.gov.vn/nccnn/. Tuy nhiên, để phục vụ cho việc bàn giao nhiệm vụ quản lý, Cổng thông tin tạm ngừng hoạt động từ 18h ngày 16/5 đến 0h ngày 18/5. Cơ quan thuế khuyến nghị các doanh nghiệp nước ngoài chủ động hoàn thành nghĩa vụ thuế đúng hạn để tránh gián đoạn trong giao dịch và kê khai.
![]() |
Chuyển cơ quan quản lý thuế các nền tảng số Google, Facebook, YouTube từ 19/5 |
Đại diện Cục Thuế cho biết, việc điều chỉnh lần này là một bước đi chiến lược trong quá trình chuyên môn hóa quản lý thuế đối với các mô hình kinh doanh xuyên biên giới. Đây cũng là một phần trong lộ trình hiện đại hóa ngành thuế, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế, đặc biệt là khối doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ số và thương mại điện tử.
Theo thống kê mới nhất, tính đến hết quý I/2025, tổng số thu từ hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 34.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế kể từ khi Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài chính thức đi vào hoạt động, 135 doanh nghiệp xuyên biên giới đã kê khai và nộp gần 23.000 tỷ đồng tiền thuế, trong đó có sự tham gia tích cực của các nền tảng lớn toàn cầu như Google, Meta, Netflix…
Việc chuyển đổi cơ quan quản lý lần này không chỉ thể hiện sự nhạy bén trong điều hành chính sách thuế, mà còn khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng một môi trường thuế công bằng, minh bạch và phù hợp với xu thế toàn cầu hóa. Trong bối cảnh thương mại điện tử và dịch vụ số ngày càng đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, việc đảm bảo nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp xuyên biên giới sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.