Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa bước qua một năm 2019 đầy khó khăn thì dịch Covid-19 như một gáo nước lạnh đổ xuống các nhà đầu tư. Hầu hết các hoạt động kinh tế đang chịu thiệt hại lớn vì dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa, các kênh đầu tư cũng trở nên khó khăn để tạo ra lợi nhuận.
Riêng thị trường chứng khoán chứng kiến sự sụt giảm mạnh từ sau Tết Nguyên đán khiến không ít nhà đầu tư hoang mang, các kế hoạch đầu tư theo các dự báo từ đầu năm 2020 đã gần như bị phá vỡ.
Không nên mất bình tĩnh
Thực tế, nguyên nhân lao dốc của thị trường chứng khoán có nhiều nhưng chung quy lại, nhà đầu tư đang bị nỗi sợ Covid-19 dẫn dắt hành động. Việc bán tháo đã khiến các nhà đầu tư phải chấp nhận rút lui trong thua lỗ.
Diễn biến này đang cho thấy bất kỳ sự phục hồi nào trong thời điểm hiện nay đều rất mong manh, khi tâm lý nhà đầu tư đang rất dễ bị tổn thương trước bất kỳ diễn biến nào của dịch bệnh. Trước xu hướng số quốc gia có dịch bệnh ngày càng mở rộng, người chết đã xuất hiện tại những nền kinh tế phát triển và ngay cả ở bên kia đại dương như Mỹ, nỗi lo sợ chắc chắn sẽ chưa dừng lại.
Tuy nhiên, cần phải nhắc lại là tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp hơn từ khi "bệnh nhân số 17" được phát hiện nhưng ngay lập tức, Chính phủ đã có những hành động nhằm cách ly mầm bệnh. Và ngay sau đó là hàng loạt các kịch bản và phương án ứng phó tương ứng đã được chuẩn bị.
Đối với riêng thị trường chứng khoán, mới đây nhất, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong đó có quy định việc giảm giá 15 loại dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán và được áp dụng kể từ ngày 19/3 - 31/8/2020.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), việc điều chỉnh giá dịch vụ chứng khoán là một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được cơ quan quản lý đưa ra và thị trường cũng đang rất trông chờ động thái này, do đó khi thông tư được ban hành và có hiệu lực ngay sẽ là điểm sáng cho thị trường trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Sau thời gian áp dụng các quy định này, căn cứ vào diễn biến tình hình dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư trong trường hợp cần thiết.
Ông Tuấn cho biết, để tạo hiệu ứng lan tỏa cho thị trường, thông tư sửa đổi cũng quy định các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) trên cơ sở mức giảm giá dịch vụ tại sở giao dịch chứng khoán và VSD, thực hiện ngay việc giảm giá dịch vụ tương ứng tại đơn vị mình để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phù hợp với thực tế cung ứng dịch vụ, quy định của pháp luật về giá và pháp luật có liên quan.
Nhà đầu tư đang bị nỗi sợ Covid-19 dẫn dắt hành động |
Tốt cho dài hạn
Mới đây, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, Sáng lập trường Quản trị kinh doanh BizUni đã có bài viết trên trang cá nhân cho rằng, doanh nghiệp là bộ phận cấu thành chính yếu của nền kinh tế.
Do đó, về mặt lý thuyết, giá trị tăng trưởng của tất cả các doanh nghiệp sẽ rất gần với sự tăng trưởng GDP, trong khi những doanh nghiệp niêm yết đều là những doanh nghiệp đã được sàng lọc, có hiệu quả kinh doanh tốt nên mức tăng trưởng thường sẽ cao hơn tăng trưởng của nền kinh tế.
Chuyên gia Lâm Minh Chánh khẳng định, điều này đã được chứng minh hàng thế kỷ nay tại các nước phát triển và trong 20 năm qua tại Việt Nam. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu luôn là thước đo đúng nhất về giá trị của doanh nghiệp đó.
Bởi tất cả những gì tạo ra giá trị của doanh nghiệp: tầm nhìn, chiến lược của hội đồng quản trị, sự tài ba của ban điều hành, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng trong tương lai, tác động của sự ảnh hưởng bên ngoài… đều được thị trường đưa vào giá cổ phiếu và sự biến động của giá sẽ tạo ra tỷ suất sinh lợi.
Do đó, vị chuyên gia này đưa ra khuyến nghị: các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những người không chuyên, nên đầu tư dài hạn. Đối với trường phái ngắn hạn, giá cổ phiếu sẽ lên xuống phụ thuộc vào quy luật cung cầu, mà cung cầu đang phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý của nhà đầu tư.
Trong tình hình diễn biến dịch bệnh như hiện nay, đầu tư ngắn hạn là khá rủi ro bởi “phong độ” của hầu hết cổ phiếu trên sàn đều khá thất thường, không dễ đoán, “phần thưởng” chỉ dành cho những nhà đầu tư may mắn.
Trước đó, trong những ngày cuối tháng 2, Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund phát hành báo cáo với tiêu đề All In (Tất tay), cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vốn đã có mức giá tốt từ trước đợt giảm mạnh do dịch Covid-19, nên việc lao dốc gần đây là cơ hội để bắt đầu mua vào cổ phiếu khi thị trường chỉ bị ảnh hưởng nhất thời.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, vẫn có một số tổ chức cho rằng thị trường chứng khoán sẽ còn trì trệ cho đến cuối năm, khi dịch bệnh chưa sớm được dập tắt thì việc ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam là tất yếu.
Dưới góc nhìn chuyên gia, Ts. Đinh Thế Hiển cho biết, đối với chứng khoán, các tổ chức, các quỹ đầu tư buộc phải tham gia thị trường để phân bổ tài sản của mình nhiều hơn, chứ không phải là kênh hiệu quả của nhà đầu tư cá nhân.
"Những nhà đầu tư cá nhân có tiền nhàn rỗi người nào cũng nói là mua rồi để một thời gian sau bán nhưng không có nhiều người làm được chuyện đó", ông Hiển nhấn mạnh.
Linh Đan