Từ tiếng vọng ngàn xưa…
Tọa lạc trên núi Các, thuộc xã Định Hải, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa, chùa Am Các đã được công nhận là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh theo Quyết định 496/QĐ – UBND ngày 31/12/2013. Núi Các là một quần thể bao gồm 9 đỉnh núi, với một thảm thực vật phong phú, sinh thái ôn hòa, khí hậu mát mẻ. Dưới chân núi Các là hồ Khe Hao trong xanh, bốn mùa không cạn. Chùa Am Các nằm giữa đại ngàn, ở độ cao gần một nghìn mét so với mặt nước biển.
Theo truyền ngôn trong dân gian, Am Các là một quần thể di tích được hình thành rất sớm, vào khoảng thế kỷ thứ X, do Quốc sư Khuông Việt (Ngô Chân Lưu, sinh 933- 1011) vị Tăng thống thời nhà Đinh, thuộc dòng Thiền Vô Ngôn Thông là người có công khởi dựng, để truyền bá Phật giáo ở vùng đất Ngọc Sơn quê hương ông (Nghi Sơn ngày nay). Ngô Chân Lưu là một người uyên thâm lỗi lạc, tinh thông Phật giáo, cũng là người đầu tiên được giữ chức Tăng thống trong lịch sử phật giáo Việt Nam, do vua Đinh Thiên Hoàng ban năm 969. Đến năm 971, ông được phong pháp hiệu Khuông Việt – là người tu hành, tu sửa, chấn hưng Phật giáo Việt Nam.
Trên cơ sở triết lý hành động của một nhận thức luận coi cuộc đời là nơi mình có thể giải thoát được bằng chính nhận thức của mình, thế giới giác ngộ cũng như hành động của Phật giáo không nằm bên ngoài cuộc đời, và con người không cần đi tìm bất cứ một thế giới nào khác, Thiền sư Khuông Việt đã hoạt động, cống hiến cả đời cho sự nghiệp Phật giáo, gánh vác không chỉ việc đạo mà cả việc nước việc dân, đóng góp to lớn vào sự nghiệp dân tộc. Với trình độ uyên thâm và triết lý Đạo hướng đời như vậy, sự lựa chọn ví trí khởi dựng chùa Am Các chắc hẳn không phải là ngẫu nhiên.
Theo một số nghiên cứu khảo cổ học khai quật được tại chùa, thì Am Các có niên đại từ thời Lý- Trần, được tiếp tục ở thời Lê. Tượng Phật, ngói lợp thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Trải qua những biến động của lịch sử, tự nhiên và xã hội, ngày nay người ta chỉ còn tìm thấy những dấu tích công trình xưa như: nền móng nhà Tam bảo, nền nhà thờ Mẫu, nền nhà Tổ, cổng tam quan, lò nung…và những hiện vật của ngôi chùa cổ như: tượng Phật đá, khối đá có khắc hình mặt phật, mõ đá, đá tảng, gạch, ngói vỡ.
Bên cạnh những di vật tìm được đang dần hé lộ tầm vóc và sức ảnh hưởng của chùa Am Các đối với nền Phật giáo dân tộc hơn một nghìn năm trước, thì những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại, u linh được truyền tụng trong dân gian như câu chuyện về âm thanh đêm đêm phát ra từ chiếc mõ tiên bằng đá, hay tiếng cầu kinh hằng đêm trong rừng già, những phiến đá có hình long chầu, hổ phục, tiếng gió rít trong rừng trúc… cũng làm cho câu chuyện về ngôi chùa cổ này thêm phần huyền bí, kỳ ảo hơn.
Vẻ đẹp kỳ ảo, hoang sơ của quần thể Am Các cùng với dấu xưa, tích cũ như một tiếng vọng vô thanh xa xăm, có sức cuốn hút kỳ lạ. Bởi vậy mà những nhà tu hành, những phật tử xa gần, những người mộ đạo, yêu thích thiên nhiên đã tìm đến Am Các như tìm về chốn thiêng để cùng chung tay phục dựng lại ngôi chùa.
Đến hành trình phục dựng
Nương theo những dấu tích cũ, bà con phật tử, nhân dân địa phương tìm đường lên núi dâng hương bái Phật. Năm 2014, có một vị tăng ni trẻ đã có cơ duyên biết đến sự tồn tại của ngôi cổ tự và phát nguyện phục dựng lại chùa, đó là Đại đức Thích Quang Đại.
Từ những ngày đầu, quần thể chỉ là một dấu tích cũ nát bị con người lãng quên, đường lên núi khó khăn hiển trở, phải đi bộ đến nửa ngày trời mới có thể tiếp cận khu vực chùa Hạ, vậy mà với ý chí, nghị lực và tâm huyết của một nhà sư trẻ, cùng với sự hỗ trợ của bà con hật tử, các mạnh thường quân, giờ đây Am các đã được tôn tạo, phục hồi lại thành một quần thể bao gồm: Chùa Trình, Chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, đền Mẫu, ao chùa…
Con đường hành hương bái Phật trên đỉnh núi Các cũng đã được cải thiện rất nhiều. Khách thập phương có thể di chuyển ô tô, xe máy trên con đường bê tông phẳng lì. Hai bên đường, ngàn thông vi vút, hương thơm của cây rừng thoang thoảng, đưa hồn người vào một cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, thanh thản đến kỳ lạ.
Công trình trung tâm, chùa Hạ, nơi thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khiêm tốn, trầm mặc ẩn mình giữa ngàn xanh, lưng tựa sơn nghênh thủy, mặt hướng về phía Đông Nam, nơi có hồ Khe Hao quanh năm xanh mát. Tại đây, khách thập phương sẽ có cơ hội chiêm bái tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được tạc bằng đá, mang một vẻ cổ xưa, huyền bí. Từ chùa Hạ, khách thập phương sẽ tiếp tục thăm bái các hạng mục khác như chùa Trung, hay đền Mẫu- nơi có bức tượng Phật bà Quan Âm bằng ngọc bích nguyên khối. Đến chùa Thượng- công trình cao nhất, nằm trên đỉnh núi Các, du khách thể quan sát ra bốn phương, để thấy vùng đất Nghi Sơn đang trở mình thay đổi.
Để xứng tầm di tích
Từ những căn cứ khảo cổ học cho thấy, chùa Am Các là một công trình có thật, tồn tại cách đây hàng nghìn năm. Những vết tích còn lưu lại là những minh chứng rõ ràng nhất, khẳng định giá trị của chùa Am Các trong dòng chảy lịch sử phật giáo Việt Nam. Để ghi nhận điều đó, ngày 31/12/013, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định 496/QĐ – UBND, công nhận quần thể Am Các là Di tích Danh thắng cấp tỉnh.
Thực tế những năm gần đây, chùa Am Các đã được quan tâm, tìm hiểu và phục dựng một số hạng mục, nhưng để trở thành một công trình kiến trúc phật giáo xứng tầm lịch sử cũng như trong bối cảnh phát triển hiện tại thì đó là một quá trình.
Để phát triển Am Các xứng tầm, tỉnh Thanh Hóa cũng đã có quết định cho các đơn vị nghiên cứu khoa học khảo cổ và các đơn vị nghiên cứu văn hóa vào cuộc, lật mở những bí ẩn dưới lòng đất, để có cơ sở khoa học trong công tác phục hồi, tôn tạo di tích. Và trong một tương lai không xa, quần thể Di tích và danh thắng Am Các sẽ trở thành một trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo và là điểm du lịch sinh thái tâm linh hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực, đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách khi đến với Nghi Sơn.
Ngọc Lâm