Mới đây, UBND tỉnh Long An đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết năm thứ 4 thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “tín dụng đen”; triển khai Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”. Chủ tịch UBND tỉnh – Ông Nguyễn Văn Út chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, từ ngày 15/4/2022 - 14/4/2023, lực lượng Công an các cấp đã phát hiện, tiếp nhận 28 vụ việc có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Kết quả đã khởi tố 01 vụ án, 01 đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; xử lý hành chính 27 vụ 51 đối tượng, tổng số tiền trên 75 triệu đồng, chủ yếu về các hành vi như: dán quảng cáo nơi công cộng có nội dung cho vay tín dụng; phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh đã khởi tố 7 vụ, 13 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Đồng thời, lực lượng Công an đã tiến hành kiểm tra, rà soát 709 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh, hiện chưa phát hiện vi phạm có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc vay vốn với lãi suất cao để người dân nắm, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", cho vay nặng lãi.
Lực lượng Công an các cấp đã triển khai các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, nâng cao hiệu quả công tác quản lý các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, kịp thời phát hiện xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm không để hình thành điểm nóng gây bức xúc trong nhân dân. Qua đó, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động "tín dụng đen" được kiềm chế, không còn hoạt động công khai, các hành vi đòi nợ, xiết nợ, lén lút rải, dán các tờ rơi quảng cáo cho vay giảm, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội phục vụ tốt và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: ý thức của một số người dân còn hạn chế trong việc nhìn nhận hậu quả và tác hại của hoạt động "tín dụng đen" gây ra, một phần do lo sợ bị đe dọa, không chế, khủng bố về tinh thần mà không mạnh dạn trình bày, tố giác đối với hành vi vi phạm; công tác nắm và quản lý địa bàn đối tượng hoạt động lưu động từ nơi khác đến còn hạn chế; đối tượng cho vay "tín dụng đen" hầu hết là các cá nhân từ các địa phương khác đến, với thủ đoạn cho vay thông qua việc phát tờ rơi nơi công cộng hoặc mạng xã hội, hình thức cho vay không cần thế chấp tài sản, thời gian cho vay nhanh, thủ tục đơn giản, do đó việc thu thập thông tin tài liệu để căn cứ xử lý đối với các bên liên quan các hoạt động "tín dụng đen" cũng gặp khó khăn; hoạt động cho vay kiểu "tín dụng đen" là hoạt động ngầm nên công tác quản lý, nắm bắt thông tin còn gặp nhiều khó khăn, nhiều vụ việc chỉ bị phát hiện khi người vay bỏ trốn khỏi địa phương hoặc không có khả năng chi trả và bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe thì người vay tiền với trình báo Công an.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận của các đơn vị, địa phương về công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen" như: thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện và cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; công tác tuyên truyền, hỗ trợ các gói, khoản vay ưu đãi để nhân dân biết, dễ tiếp cận; tuyên truyền phương thức, thủ đoạn, hậu quả "tín dụng đen" trong công nhân, người lao động, thanh thiếu niên…
Kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Út nhận định tình trạng "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế, kéo giảm, nhưng vẫn còn tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự ở địa phương. Do đó, ông yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền tác động đến cả 2 đối tượng là người cho vay và người vay; tăng cường các hoạt động kiểm tra các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nghi vấn có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; các tổ chức tín dụng trên địa bàn cần tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi, rút ngắn thủ tục cho vay.
Bên cạnh đó, rất cần sự phối kết hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng và chính quyền địa phương xây dựng kỷ luật, kỷ cương trong xử lý hoạt động "tín dụng đen"; cần xây dựng đề án đề xuất giải pháp hữu hiệu ngăn chặn triệt để "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh.
Uyển Nhi (t/h)