Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) thuộc Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9/2024, Việt Nam đã tiến hành 30 cuộc điều tra phòng vệ thương mại và đang duy trì 22 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong nước tham gia các vụ việc này đạt tổng doanh thu hàng năm khoảng 475 nghìn tỷ đồng, với hơn 36.000 lao động trực tiếp. Thu ngân sách hàng năm từ thuế phòng vệ thương mại ước đạt từ 1.200 - 1.500 tỷ đồng.
Theo ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép là một trong những ngành có số lượng vụ việc phòng vệ thương mại lớn nhất. Do tình trạng dư cung trên toàn cầu, các doanh nghiệp nước ngoài thường bán phá giá để giải quyết lượng tồn kho, đặc biệt khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Các biện pháp phòng vệ thương mại đã giúp ngành thép Việt Nam phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế.
Chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa. |
Còn theo ông Trần Vĩnh Chung - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, ngành mía đường Việt Nam cũng đã chứng kiến sự cải thiện lớn sau khi áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với đường nhập khẩu từ Thái Lan. Sản lượng đường trong nước đã tăng mạnh từ 700.000 tấn niên vụ 2020 - 2021 lên gần 1,2 triệu tấn niên vụ 2023, và đến tháng 9/2024 tăng 161%. Giá mua mía cũng tăng từ 850.000 đồng/tấn lên 1,2 triệu đồng/tấn, giúp nông dân an tâm gắn bó với cây mía.
Tính đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 263 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường. Trong đó, 144 vụ là điều tra chống bán phá giá, 53 vụ điều tra tự vệ, 38 vụ chống lẩn tránh biện pháp và 28 vụ chống trợ cấp. Mặc dù số lượng vụ việc ngày càng tăng, nhưng nhờ vào sự chủ động của doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương, nhiều vụ đã đạt được kết quả tích cực, giúp doanh nghiệp duy trì thị trường xuất khẩu.
Trong ngành gỗ, ông Cao Xuân Thanh - Chánh Văn phòng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc doanh nghiệp chủ động xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin cho cơ quan điều tra, đồng thời đầu tư vào việc chuẩn bị hồ sơ để duy trì thị trường và tái cơ cấu chuỗi cung ứng theo hướng bền vững.
Với ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chia sẻ rằng, ngành đã phải đối mặt với các vụ việc điều tra chống bán phá giá từ rất sớm, đặc biệt là từ Hoa Kỳ đối với cá tra, basa và tôm. Nhờ sự kiên trì của doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã đạt mức thuế suất 0%, duy trì xuất khẩu ổn định sang Hoa Kỳ, nhờ vào sự hỗ trợ từ Hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước.