Bài toán của doanh nghiệp xuất khẩu
Bán phá giá là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh, trong đó các nhà sản xuất hoặc xuất khẩu nước ngoài bán sản phẩm tại thị trường nhập khẩu với giá thấp hơn giá trị thực tế. Mục tiêu của họ là xâm nhập thị trường và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước. Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các quốc gia thành viên có quyền áp dụng biện pháp chống bán phá giá nếu điều tra cho thấy có hành vi này và gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước.
Theo báo cáo của Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương, từ năm 1995 đến tháng 6/2023, thế giới đã tiến hành tổng cộng 6.658 vụ điều tra liên quan đến bán phá giá. Đặc biệt, giai đoạn 2012-2020 chứng kiến sự bùng nổ các vụ việc, với 355 vụ trong năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số vụ điều tra giảm đáng kể, chỉ còn 186 vụ trong năm 2021 và 89 vụ trong năm 2022. Khi thương mại toàn cầu phục hồi vào năm 2023, số lượng các vụ điều tra cũng bắt đầu tăng trở lại.
Bình Dương chủ động thích ứng phòng vệ thương mại để hội nhập. |
Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu về số lượng vụ điều tra chống trợ cấp, với 200 vụ, chiếm 54,8% tổng số. Tiếp theo là Canada với 39 vụ (10,4%) và Liên minh châu Âu đứng thứ ba (8,8%). Các quốc gia khác như Ấn Độ, Úc và Trung Quốc cũng nằm trong top các nước thường xuyên khởi xướng điều tra. Ngược lại, Trung Quốc là nước bị kiện nhiều nhất trong các vụ điều tra chống trợ cấp, với 165 vụ trong giai đoạn 2020-2023, chiếm 43,9%. Đứng sau Trung Quốc là Ấn Độ, với 57 vụ (15,2%), và các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Indonesia và Malaysia cũng nằm trong nhóm bị điều tra nhiều nhất.
Riêng Việt Nam, số vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại đã tăng mạnh. Nếu như trong giai đoạn 2001-2011 chỉ có 50 vụ thì từ năm 2012 đến tháng 8/2024, con số này đã tăng lên 205 vụ, gấp hơn 4 lần. Trong 6 tháng đầu năm 2024, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ điều tra từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chống bán phá giá chiếm phần lớn với 138 vụ. Các vụ điều tra về tự vệ chiếm 50 vụ, chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại chiếm 37 vụ, và chống trợ cấp chiếm 27 vụ.
Đặc biệt, các quốc gia và khu vực như ASEAN, châu Á, châu Phi và châu Đại Dương - vốn là những thị trường lớn của Việt Nam trong các ngành chế biến gỗ và dệt may cũng đã gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, bốn nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan đã tiến hành 48 vụ điều tra nhắm vào các mặt hàng Việt Nam.
Xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như chống bán phá giá hay chống trợ cấp, đang đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, doanh nghiệp có thể chịu những tổn thất nặng nề trong quá trình hội nhập quốc tế.
Chủ động thích ứng
Ngày 16/9, tại Bình Dương, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu hàng hóa và nâng cao năng lực ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương". Đây là những thị trường quan trọng đối với Việt Nam, với các đối tác nổi bật như Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Nam Phi và Australia. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phan Thị Thắng, nhấn mạnh vai trò quan trọng của các khu vực này trong chiến lược xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phan Thị Thắng. |
Tại hội thảo, các diễn giả đã cung cấp thông tin cập nhật về tình hình thị trường, cơ hội xuất khẩu, và thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi tiếp cận các khu vực châu Á, châu Phi, và châu Đại Dương. Ngoài ra, còn trao đổi về các biện pháp phòng vệ thương mại mà các nước nhập khẩu đang áp dụng, cùng với những kinh nghiệm để đối phó với các tình huống này.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường năng lực ứng phó với các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình. Việc hiểu rõ và biết cách sử dụng các công cụ pháp lý là yếu tố then chốt để tránh thiệt hại và duy trì sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bộ Công Thương cho biết, trước tình hình một số mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước, việc khởi kiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã được đẩy mạnh. Từ trước đến nay, Bộ đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc phòng vệ thương mại và áp dụng 22 biện pháp đối với hàng nhập khẩu. Trong nửa đầu năm 2024, Bộ đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại, bao gồm việc điều tra, rà soát và khởi xướng các vụ mới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chú trọng việc cảnh báo sớm và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, đặc biệt là việc chống lẩn tránh các biện pháp này và gian lận xuất xứ hàng hóa. Bộ đã xây dựng danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra để các doanh nghiệp có thể nắm bắt và ứng phó kịp thời, đồng thời đảm bảo hàng hóa xuất khẩu đáp ứng đầy đủ các quy định về xuất xứ.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương. |
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, chia sẻ về sự hỗ trợ của tỉnh trong việc giúp các doanh nghiệp ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ nước ngoài. Ông cho biết, Sở Công Thương đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương để cung cấp thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp doanh nghiệp bảo vệ tốt hơn thị trường của mình.
"Đáng nói, khi một doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì cả một ngành hàng hay hàng hóa từ một địa phương của Việt Nam sẽ cùng bị áp dụng mức thuế cao. Sự phối hợp và chủ động giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp không chỉ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính doanh nghiệp đó mà còn là trách nhiệm chung với cộng đồng doanh nghiệp" - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương nói.
Sở Công Thương tỉnh Bình Dương kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp của Bình Dương trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường tiềm năng tại châu Á, châu Phi và châu Đại Dương.