Tính đến hiện nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc phòng vệ thương mại và áp dụng 22 biện pháp đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước, việc khởi kiện, điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được tăng cường, nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã triển khai điều tra và rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại, bao gồm tiếp tục điều tra và rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023, khởi xướng điều tra 1 vụ việc mới, và tiếp nhận, xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
Về đối phó với các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài, tính đến tháng 6/2024, Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường với nhiều mặt hàng khác nhau. Cơ quan điều tra nước ngoài thường xuyên rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại với quy trình và yêu cầu rất phức tạp. Để ứng phó với các vụ khởi xướng điều tra từ nước ngoài, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, triển khai hệ thống hàng loạt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu xử lý 10 vụ việc phòng vệ thương mại mới khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc từ những năm trước.
Ngoài ra, việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ cũng được Bộ Công Thương tăng cường. Bộ thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, giúp phát hiện và xử lý các doanh nghiệp vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc thực hiện các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam.
Đặc biệt, trước tình hình gia tăng điều tra phòng vệ thương mại, vào tháng 6/2024, Bộ Công Thương đã thông báo danh sách cảnh báo 17 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gửi đến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để phối hợp theo dõi.
Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, việc cảnh báo sớm đã mang lại kết quả tích cực. Việt Nam đã chứng minh được rằng các doanh nghiệp xuất khẩu không có hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng với nước thứ ba trong vụ Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh với thép dây không gỉ dạng tròn. Australia đã chấm dứt điều tra chống bán phá giá với amoni nitrat; doanh nghiệp xuất khẩu pin mặt trời sang Hoa Kỳ được miễn thuế phòng vệ thương mại tạm thời; và mức thuế chống bán phá giá chính thức do Mexico áp dụng với thép mạ đã giảm so với sơ bộ. Nhờ đó, doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc chỉ bị áp thuế ở mức thấp, góp phần không chỉ giữ vững mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu.
An Thảo