Văn bản nêu rõ, ngày 3/10, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long có thư gửi Thủ tướng, trong đó đánh giá việc áp giá sàn vé máy bay nội địa là trái quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý giá đối với thị trường hàng không nội địa, không phù hợp với thể chế về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.
Chủ trương này đi ngược với xu hướng của hàng không thế giới, có thể gây hệ lụy rất lớn trong việc phục hồi kinh tế, phục hồi ngành du lịch, gây khó khăn cho công nhân trở lại nhà máy và tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người. Trên cơ sở đó, chuyên gia Ngô Trí Long kiến nghị Thủ tướng sớm cho ngừng chủ trương áp giá sàn.
Về việc này, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu nội dung đề nghị nêu trên của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long để xem xét, xử lý theo quy định cũng như có văn bản trả lời chuyên gia.
Trước đó, chia sẻ tại tọa đàm "Tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội" do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế tổ chức, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines, đã nêu lên những khó khăn mà hãng bay đang gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như lý giải đề xuất áp sàn giá vé máy bay, xóa bỏ vé 0 đồng, vé siêu khuyến mại.
Cục Hàng không Việt Nam cũng dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ 1/11/2021 đến hết 31/10/2022.
Tại dự thảo, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa. Giá vé máy bay tối thiểu sẽ bằng 20% mức giá tối đa quy định cho các chuyến bay từ 1/11/2021 đến hết tháng 10/2022. Các đường bay dưới 500km, mức giá tối thiểu là 320.000 đồng/vé; các đường bay từ 500-850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng…
Hà Linh