Thông tin trên được đưa ra tại buổi công bố “Chỉ số Thương mại bền vững 2018” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hinrich Foundatione (tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và phát triển chính sách thương mại ở châu Á).
Việt Nam đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng chỉ số thương mại bền vững
Theo thông tin tại buổi công bố Chỉ số Thương mại bền vững 2018 được đánh giá ở 19 nền kinh tế Châu Á và Mỹ, với 28 chỉ báo trên 3 lĩnh vực được coi là trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo bảng xếp hạng, Việt Nam đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng, tăng 2 điểm so với năm 2016 và tăng 6 điểm về mức thu nhập quốc gia, hiện xếp hạng GDP tính theo đầu người của Việt Nam đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng.
Ở bảng xếp hạng này, Hồng Kông (Trung Quốc) dẫn đầu, Myanmar đứng cuối, Việt Nam đứng sau liền kề Trung Quốc (thứ 8) và trước liền kề Philippines (thứ 10).
Ảnh minh họa
Xét chỉ số về trụ cột kinh tế, Việt Nam đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng (trong khi đó Singapore dẫn đầu và Myanmar đứng cuối). Việt Nam là một trong những quốc gia có biểu hiện tốt nhất trên bảng chỉ số này. Cùng với 12 quốc gia khác, Việt Nam đạt mức điểm cao về mức độ mở cửa thị trường. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự mở của thương mại và trao đổi hàng hóa xuyên biên giới.
Về xã hội, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 và cao hơn các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Đây là thành quả của việc hạn chế bất bình đẳng và cải thiện tiêu chuẩn lao động (được xây dựng trên chỉ số việc hạn chế lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và cải thiện quyền của người lao động).
Ông Stephen Olson, chuyên gia nghiên cứu quỹ Hinrich Foundation nhận định, Việt Nam là một quốc gia tiêu biểu với nhiều tiến độ vững chắc hướng tới thương mại bền vững.
Việt Nam đã trở thành điểm lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2018 tiếp tục đánh dấu một năm đầy biến động và sôi động khi mà bức tranh kinh tế thế giới và môi trường phát triển tiếp tục có sự chuyển đổi sâu sắc. Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, đón nhận nhiều tin vui của câu chuyện hội nhập và tăng trưởng kinh tế như Hiệp định thương mại tự do như CPTPP vừa được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, hay FTA Việt Nam - EU cũng đang trong quá trình tiến tới ký kết và phê chuẩn dự kiến vào đầu năm 2019.
“Những hiệp định FTA thế hệ mới đó đang mở ra những cơ hội to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Lộc nhận định.
Chủ tịch VCCI cho rằng, Việt Nam chỉ có thể tận dụng được lợi ích từ các FTA, cũng như các cơ hội trở thành quán quân thu hút FDI hay thực hiện thành công các mục tiêu phát triển doanh nghiệp khi có được giải pháp thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Ba trụ cột của phát triển bền vững chính là hiệu quả kinh tế, hài hoà về xã hội và thân thiện với môi trường. Nói cách khác, lợi nhuận doanh nghiệp phải đạt được thông qua phụng sự xã hội, vì lợi ích của con người và không làm "đau" trái đất. Đối với doanh nghiệp, những giá trị này đang trở thành sức mạnh cạnh tranh cốt lõi.
Tại Hội nghị thượng định cấp cao APEC 2018 vừa qua, PwC đã công bố một kết quả nghiên cứu rất khả quan: trong số 21 nền kinh tế APEC thì Việt Nam đã trở thành điểm lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư cho các hoạt động đầu tư kinh doanh trong 12 tháng tới. Kết quả này đã cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, các cơ quan hữu quan, của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Với các tập đoàn đa quốc gia ngày càng coi trọng các yếu tố bền vững trong quyết định đầu tư, những chính sách thương mại bền vững đã giúp Việt Nam nâng cao tỷ lệ vốn FDI trong GDP. Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng trong khu vực Đông Á cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Để đảm bảo thương mại là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở Việt Nam và tiếp tục trở thanh điểm nóng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ông Stephen Olson cho rằng, Việt Nam cần nhìn lại những chỉ số môi trường quan trọng, nhất là tỷ lệ phá rừng hiện đang nằm trong danh sách những chỉ số cao nhất. Ngoài ra giảm thiểu chi phí thương mại cũng là một ưu tiên cần được xem xét. Và chỉ số này được xây dựng dựa trên 4 yếu tố là cơ cấu hạ tầng, hậu cần, vấn nạn tham nhũng và hệ thống pháp lý nhằm đo lường gánh nặng cho nền kinh tế tạo ra bởi hệ thống thương mại.
Minh Ngọc