Nikkei Asia đã phân tích dữ liệu từ Viện Tài nguyên Thế giới và phát hiện ra rằng vào năm 2030, kinh tế của những nơi trên thế giới đối mặt với nguy cơ lũ lụt ven sông sẽ thiệt hại 17 nghìn tỷ USD. Châu Á chiếm khoảng một nửa trong số này, với 8,5 nghìn tỷ đô la, các nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Các phát hiện cho thấy nhu cầu cấp thiết lúc này là phải phát triển cơ sở hạ tầng để giảm thiểu tác động của lũ lụt.
Tại thành phố Lạc Sơn thuộc tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, tại hệ thống sông Dương Tử, một số doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt vào giữa tháng Tám. Một nhà máy sản xuất phân bón thuộc sở hữu của Sichuan Hebang đã bị ngập lụt, dẫn đến máy móc bị hư hỏng và thiệt hại hàng tồn kho trị giá hơn 300 triệu nhân dân tệ (46 triệu USD). Shenghe Resources, một công ty khai thác và tinh chế đất hiếm, đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn tại các cơ sở của mình nhưng không thể ngăn lũ lụt tại nhà máy của họ.
Trung Quốc đã đón nhận một lượng mưa lớn trong năm nay, và từ tháng 1 đến tháng 9/2020, lũ lụt đã nhiều hơn 80% so với mọi năm bình thường, dọc theo 836 con sông của nước này, bao gồm cả sông Dương Tử. 73 triệu người bị ảnh hưởng, nhiều hơn gần 20% so với mức trung bình trong 5 năm qua. Thiệt hại trực tiếp trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và thương mại lên tới hơn 200 tỷ nhân dân tệ.
Ở Trung Quốc, việc kiểm soát vùng biển từ trước đến nay là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo đất nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 8 đã đi thăm tỉnh An Huy bị lũ lụt ở phía Đông đất nước. Cùng lúc đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đến thăm đồng bào bị lũ lụt ở thành phố Trùng Khánh, miền Tây nam nước này.
Có thể coi, mọi thất bại trong việc kiểm soát lũ lụt thậm chí có thể gây nguy hiểm cho sự tồn vong của chế độ.
Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở lũ lụt, một loạt thiên tai còn có liên quan đến vấn đề khí hậu đang dần nóng lên, điều này dự báo có khả năng ảnh hưởng đến các nhà máy và đe dọa hoạt động kinh tế của các quốc gia trên thế giới trong dài hạn.
Nikkei Asia đã sử dụng một công cụ do WRI phát triển nhằm tính toán rủi ro lũ lụt gây ra để phân tích mức độ thiệt hại kinh tế có thể xảy ra nếu biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục với tốc độ như hiện tại.
Công cụ WRI chia thế giới theo từng km vuông và tính tổng sản phẩm quốc nội bằng cách sử dụng số liệu dân số và GDP bình quân đầu người của quốc gia. Tác động được tính toán bằng cách tổng hợp GDP hàng năm của mỗi nơi có nguy cơ lũ lụt.
Theo tính toán, nếu tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục diễn ra với tốc độ như hiện nay, vào năm 2030, lượng GDP chịu rủi ro từ sự kiện lũ lụt diễn ra trong một thập kỷ sẽ là 17 nghìn tỷ USD, chiếm 12% GDP toàn cầu dự báo trong đó năm.
Dữ liệu cho thấy, Trung Quốc chịu rủi ro lớn nhất. Tổng GDP của khu vực có nguy cơ là 4,6 nghìn tỷ đô la, tương đương 14% GDP chung của cả nước.Tổn hại của toàn châu Á ước tính 8,5 nghìn tỷ đô la, bằng một nửa tổng giá trị của thế giới.
Ở châu Á, lượng mưa gia tăng đã làm tăng nguy cơ lũ lụt. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, lượng mưa ở Vũ Hán và Thượng Hải, Trung Quốc, cao gấp 2,3 lần so với bình thường; Osaka, Nhật Bản, ghi nhận lượng mưa gấp 2,6 lần bình thường.
Masahide Kimoto, Giáo sư tại Đại học Tokyo, cho biết: “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu đang làm tăng lượng hơi nước trong bầu khí quyển, làm tăng lượng mưa ở một vài nơi”. "Lượng mưa kéo dài, khiến Nhật Bản và Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi điều đó."
Ngoài ngập lụt ven sông, nguy cơ ngập lụt ven biển do nước biển dâng cũng ngày càng gia tăng; sử dụng dữ liệu của WRI cho thấy rằng, tác động từ lũ lụt ven biển kéo dài một thập kỷ vào năm 2030, tác động lên nền kinh tế toàn cầu tới 850 tỷ USD, trong đó châu Á chiếm khoảng 70% tổng giá trị. Trung Quốc được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo số liệu của công ty tái bảo hiểm Munich Re ở Đức, số lượng thiên tai gây thiệt hại kinh tế thực tế đang tiếp tục tăng lên, tăng gấp ba lần so với năm 1980. Trong số những thảm họa đó, lũ lụt đã tăng hơn sáu lần so với cùng kỳ.
Cơ sở hạ tầng mong manh ở các nền kinh tế mới nổi cũng làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Ví dụ, mùa mưa ở Mumbai, Ấn Độ, kéo dài trong bốn tháng, từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm. Trong thời gian này, đôi khi lượng mưa hàng trăm mm đổ xuống trong một ngày, dẫn đến ngập lụt sâu ở nhiều nơi trong thành phố.
Các đường phố, kênh đào và hệ thống thoát nước mưa ngầm được xây dựng từ thời thuộc địa của Anh ở Ấn Độ vào thế kỷ 19 phần lớn vẫn được sử dụng. Việc cải tạo hệ thống thoát nước ngầm bắt đầu từ năm 2005, nhưng khả năng thoát nước không được cải thiện nhiều do bộ máy hành chính kém hiệu quả của thành phố.
Số người chết vì mưa lớn và lũ lụt trên khắp Ấn Độ đã vượt quá 1.400 người trong ba năm liên tiếp tính đến năm 2020.
Theo WRI, chỉ số cho thấy, trung bình, cơ sở hạ tầng của Ấn Độ có thể chịu được lũ lụt kéo dài 11 năm một lần, trong khi cơ sở hạ tầng của Bangladesh chỉ có thể chịu được trận lũ lụt kéo dài 3 năm một lần. Cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có thể chịu được trận lụt kéo dài 35 năm - ít hơn so với cơ sở hạ tầng của Nhật Bản, nơi có thể chịu trận lụt kéo dài 91 năm.
Mặc dù đầu tư cơ sở hạ tầng kéo theo gánh nặng tài chính, nhưng lợi ích lớn hơn chi phí về lâu dài - dữ liệu của WRI cho thấy chi phí xây dựng đê, đập và các cơ sở hạ tầng khác trong vòng 30 năm tới để chống chọi với lũ sông kéo dài 50 năm vào năm 2050 được ước tính là 347 tỷ USD ở Trung Quốc và 217 tỷ USD ở Ấn Độ. Nhưng con số này thấp hơn chi phí tác động tiêu cực của lũ lụt.
WRI chỉ ra rằng "đầu tư vào các biện pháp bảo vệ như đê không chỉ quan trọng để bảo vệ hàng triệu người, nhà cửa và doanh nghiệp của họ, mà còn giúp tăng trưởng nền kinh tế, khi đối mặt với các mối đe dọa gia tăng từ biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng là một giải pháp linh hoạt, hiệu suất cao và cũng tạo ra việc làm. "
LyLy (Theo Nikkei)