Kể từ khi ra mắt hồi cuối tháng 11 năm 2022, ChatGPT - chatbot được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) do Công ty OpenAI có trụ sở tại Mỹ phát triển đã trở thành một hiện tượng thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của người dùng trên khắp thế giới
ChatGPT là một chatbot mô hình ngôn ngữ lớn, được đào tạo để phản hồi lại các yêu cầu thông tin của người dùng dựa trên kho dữ liệu khổng lồ.
Theo Khảo sát Tâm lý người tiêu dùng Toàn cầu CCI năm 2023 của Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG), Ấn Độ có tỷ lệ sử dụng ChatGPT cao nhất, lên tới 45%. Điều này có thể được lí giải phần nào qua việc quốc gia này có một lượng lớn công việc trong lĩnh vực IT, nơi ChatGPT có thể được coi là một tài nguyên vô cùng giá trị.
Trước đó, vào năm 2023, Bộ Các vấn đề người tiêu dùng Ấn Độ từng cho biết, đang nghiên cứu một cơ chế do ChatGPT cung cấp, qua đó có thể hỗ trợ người tiêu dùng gửi khiếu nại trên đường dây trợ giúp người tiêu dùng quốc gia (NCH - National Consumer Helpline).
“Chúng tôi có thể sử dụng công nghệ này để giúp người tiêu dùng khiếu nại trên NCH thông qua tin nhắn văn bản hoặc ghi chú thoại”, quan chức này cho biết. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng thực hiện thủ tục khiếu nại dễ dàng hơn.
Bộ Các vấn đề người tiêu dùng Ấn Độ, đã gặp gỡ các Giám đốc điều hành của OpenAI để thảo luận về con đường phía trước, cũng đang xem xét cách thức công nghệ AI có thể hỗ trợ những khách hàng gặp khó khăn trong việc nộp đơn khiếu nại liên quan tới hoa hồng tiêu dùng.
Trong khi đó, Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin của Ấn Độ (MeitY) được cho là đang nghiên cứu ứng dụng một chatbot WhatsApp do ChatGPT cung cấp để giúp nông dân tìm hiểu về các chương trình khác nhau của Chính phủ. Nó sẽ hỗ trợ người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi được gửi dưới dạng ghi chú thoại. Điều này đặc biệt hữu ích đối với những người nông dân Ấn Độ có thể không quen gõ trên điện thoại di động. Ngoài ra, còn nhiều dịch vụ khác cũng đang ứng dụng công nghệ AI để làm cho nền tảng của họ thông minh hơn.
Một điểm đáng chú ý trong khảo sát của BCG là các quốc gia có độ tuổi bình quân của dân số trẻ hơn có xu hướng sử dụng ChatGPT nhiều hơn. Đây có thể là do dân số trẻ có xu hướng thành thạo công nghệ hơn.
Về cảm xúc đối với AI: Khoảng 40% số người được khảo sát cảm thấy hào hứng với AI, 28% có quan điểm mâu thuẫn, và 29% cảm thấy lo ngại.
Báo cáo cũng cho biết, ở những quốc gia có tỷ lệ sử dụng ChatGPT cao như Ấn Độ và Philippines, ChatGPT thường được sử dụng cho các mục đích cụ thể như hỗ trợ nghiên cứu hoặc làm trợ lý ảo cá nhân. Trái lại, ở các quốc gia có tỷ lệ sử dụng thấp hơn như Mỹ và Đức, ChatGPT thường được sử dụng để “chơi thử”.
Mai Anh (t/h)